Đắng chát lời bệnh nhân ung thư giữa “cơn bão” VN Pharma

Google News

Giữa "cơn bão" VN Pharma, phóng viên đã đến Bệnh viện K (Hà Nội), gặp và lắng nghe tâm sự trĩu lòng của những bệnh nhân ung thư.

Phiên tòa xét xử lãnh đạo Công ty VN Pharma liên quan đến lô thuốc chữa ung thư không rõ nguồn gốc, chưa phân biệt thuốc giả hay thuốc kém chất lượng chẳng khác nào "cơn bão" đối với người nhà và bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh quái ác này.
Hoang mang tột độ
Dang chat loi benh nhan ung thu giua “con bao” VN Pharma
 Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều. Ảnh: Thùy Linh.
Tại buồng bệnh - khoa Nội (Bệnh viện K Tân Triều), bệnh nhân Nguyễn Thị H đang ngồi trò chuyện với các bệnh nhân khác. Chị tâm sự về những ngày điều trị, về những đứa con đang chờ bà ngoại trông, về vườn rau, con gà chị đang mong khỏi bệnh để về chăm.
Những thông tin thuốc ung thư giả như "cơn bão" đổ vào tâm trí, chị H sợ hãi tột độ khi lên mạng đọc về vụ án thuốc giả đó. Nhưng rồi, chị được trấn an bởi những người khác rằng, thuốc giả chưa có ra đến thị trường, chưa đến bệnh nhân.
Bệnh nhân Kiều Thị Lợi (Hà Nội) vừa trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến giáp cách đây hơn 1 tháng tại Bệnh viện K Tân Triều. Thêm một vài đợt điều trị thuốc, vết mổ và sức khỏe của bà đang dần hồi phục trở lại, giọng nói trong trẻo hơn nhưng đôi mắt thì vẫn u sầu.
"Lúc nào cũng mong nhanh khỏi bệnh, để còn làm việc. Phải làm việc để mà quên đi bệnh tật. Tôi cũng cảm thấy buồn vì mình bị bệnh, nhưng nếu cứ buồn, cứ chán, có khi bệnh lại nặng lên"- bà Lợi nói.
Bệnh nhân ung thư không còn là "điều lạ" nữa. Ngay trong gia đình tôi, có nhiều người thân thiết ruột thịt, có cả những người lính một thời là "anh hùng trận mạc", chinh Nam chiến Bắc, dù chết cũng không đầu hàng quân giặc, nhưng cũng đã buộc phải đầu hàng số phận vì căn bệnh ung thư thời hiện đại.
Khắp các diễn đàn, mạng xã hội, dấy lên một cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư có vẻ như "không cân sức". Mỗi vụ bê bối thuốc ung thư viện trợ bị hết hạn hay thuốc ung thư giả khiến cho từng bệnh nhân ung thư ít nhiều bị tác động tiêu cực.
Một bệnh nhân ung thư ở Bình Dương - thành viên CLB Cuộc chiến ung thư viết những dòng tâm sự đầy nước mắt: "Em bị ung thư lưỡi giai đoạn 1, đã được cắt bỏ 5 tháng không xạ trị. Sau 2 tháng em đi tầm soát thì phát hiện di căn sang phổi. Hiện tại em cũng không xạ trị.
Em muốn những ngày tháng còn lại em không phải nằm viện đau đớn vật vã với những đợt truyền hóa chất... Em muốn dùng thời gian còn lại của mình đi thăm quê hương và làm những gì mình muốn".
Theo lời kể của em, gia đình em đã mất đi nhiều thành viên vì ung thư. Em tâm sự: "Chị gái em cũng mắc bệnh ung thư vòm họng và chị mất sau điều trị hóa chất 1 năm, chị có nói lại là nếu chị em mình sau này ai bị bệnh cũng đừng hóa trị nhé để sức lực làm những gì mình muốn. Và mẹ em cũng vừa mất vì ung thư phổi 5 tháng nay.
Em nhận kết quả mình bị K trước đưa tang mẹ một ngày và quyết định mổ dịch vụ sau 2 ngày đưa tang mẹ. Ngoài mặt em tỏ ra rất mạnh mẽ nhưng thật lòng em đang rất hoang mang không biết mình phải làm sao cho đúng nữa". Đọc những lời tâm sự của em, rất nhiều người rớt nước mắt.
Dang chat loi benh nhan ung thu giua “con bao” VN Pharma-Hinh-2
Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều.Ảnh: Thùy Linh. 
Tâm thư thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế
Chị Đồng Thị Luyện (tài khoản FB: Trần Đồng) trú tại quận 8, TPHCM là bệnh nhân ung thư vòm họng, từng điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, là chủ nhiệm CLB Cuộc chiến ung thư với gần 4.500 thành viên. Chị đã vượt qua nhiều đợt xạ trị và hóa trị theo phác đồ điều trị.
Sau quá trình điều trị ung thư thành công, chị thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe. Chị là một trong những người truyền lửa tinh thần và chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình điều trị ung thư cho nhiều người khác.
Sau khi tòa xử vụ án buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, với thông tin gây rúng động trong cộng đồng, chị Đồng Thị Luyện đã viết tâm thư chia sẻ trong CLB Cuộc chiến ung thư, gửi những lời tâm sự đau đáu tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tôi không biết phải viết gì hơn là trích nguyên văn những lời tâm sự đau đáu của chị Luyện.
Mở đầu bức thư, chị Luyện viết: "Trong các vị đã từng có người thân bị ung thư chưa? Có chứng kiến cảnh người thân của mình đau đến tím tái cả người, đến dại cả mắt và không thể kiểm soát nổi cơn đau chưa?
Có từng chứng kiến cảnh một người khụy xuống cầu xin bác sĩ hãy cố cứu họ, cho họ thêm một thời gian ngắn để họ nhìn thấy đứa con duy nhất bước chân vào giảng đường đại học rồi họ sẽ an lòng nhắm mắt chưa?
Có từng chứng kiến bàn tay nhỏ xíu nhoài về phía người mẹ nằm bất động với tiếng khóc đòi mẹ nghe đến nhói lòng chưa? Còn nhiều, nhiều lắm những khuôn mặt thiên thần với đôi mắt tròn vo không hiểu vì sao mình phải chết".
"Tiếng khóc nghẹn ngào không thành tiếng của mái đầu bạc đưa tiễn đứa con duy nhất và những tháng ngày nai lưng ra trả nợ những gì họ cố gắng vay mượn những tưởng giành được đứa con từ tay tử thần.
Có thấy được cảnh những bệnh nhân đã phải bán hết nhà cửa và những gì còn sót lại chỉ để cho người thân sống thêm một thời gian ngắn ngủi.
Có từng chứng kiến người thân của mình trước khi từ giã cõi đời vẫn chảy dài nước mắt và cầu xin cho thêm thời gian để con họ thêm cứng cáp chưa?
Những nỗi đau không thể thốt lên lời và không thể viết thành văn. Hàng ngày phải chứng kiến hết thành viên này đến thành viên khác trong CLB ra đi mà bất lực không thể làm gì cho họ. Những cái ôm động viên, những cái xiết tay và lau cho nhau những giọt nước mắt đã cố ghìm, sao vẫn cứ trào ra sau sự ra đi là nỗi đau để lại.
Có người chồng tranh thủ khi người vợ mệt quá thiếp đi thì chạy ra ngoài làm thêm 1-2 cuốc xe ôm để kiếm thêm chút tiền trang trải, vì quá mệt mỏi đã bị tai nạn và khi chết không nhắm nổi mắt vì anh là người thân duy nhất của người vợ đang nằm trên giường bệnh".
"Tại sao một tội ác giết người hàng loạt như vậy mà chỉ xử có 12 năm tù, rồi cải tạo tốt, rồi những khuất tất đằng sau và thế là chỉ như một thời gian ngắn nghỉ ngơi chúng lại nhởn nhơ, chỉ có gia đình bệnh nhân là nỗi đau còn mãi" - chị Luyện đặt câu hỏi.
Cuối bức thư, nhiều câu hỏi tại sao được đặt ra, rồi chị nói những lời thống thiết: "Còn có bao nhiêu vụ chưa được phanh phui và bao nhiêu nạn nhân trong các bệnh viện chết oan chưa được làm sáng tỏ? Xin đừng ngụy biện và quanh co, xin đừng hướng dư luận sang một khía cạnh khác hòng xóa đi tội tiếp tay cho tội ác.
Chúng tôi nhân danh và thay mặt cho hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư trên toàn Việt Nam yêu cầu thẩm tra lại toàn bộ sự việc, xét xử đúng người đúng tội và không dung túng cho tội ác.
Hãy cho chúng tôi được thấy sự công bằng của cán cân công lý! Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: Ung thư không phải là dấu chấm hết!"
Trong những dòng tâm sự khác với các thành viên của mình, chị đã nén nước mắt vào trong và động viên các "chiến hữu": "Trong bất kỳ tình huống nào mình cũng nên bình tĩnh xem xét và bình bĩnh chờ sự xử lý nghiêm minh của pháp luật. Không chán nản tuyệt vọng và không được hoang mang. Có những điều mình chưa hiểu hết chân tướng sự việc nên hãy bình tâm mà chờ.
Sự việc xảy ra mấy năm rồi, nếu có sự cố nó cũng xảy ra rồi chứ không chờ tới ngày hôm nay mới phát nên không lo lắng quá. Và theo như Bộ Y tế cho biết thì họ đã kịp niêm phong chứ chưa kịp đưa ra các bệnh viện.
Cũng theo giới chuyên môn thì chẳng qua là nhập lậu với chứng từ giả chứ thành phần biệt dược là thật (nhưng qua bao nhiêu sự giả dối nên không biết có nên tin không nữa dù rất muốn tin). Nhưng chắc chắn một điều là các bạn chưa uống chứ nếu uống rồi thì nó có hiệu nghiệm cách dây 3-4 năm rồi nên hãy gạt mọi lo lắng ra khỏi đầu cho nhẹ".
Theo Báo Lao Động