"Cô đơn không phải là một mình, đó là khi ở bên cạnh người mình yêu thương nhất mà vẫn thấy lẻ loi, đơn độc", nghe xong câu nói của cô bạn thân sau nhiều năm gặp lại, tôi đã cười lớn một tràng. Gì mà ở bên cạnh người mình yêu thương lại vẫn thấy cô đơn chứ. Chẳng phải là cô ấy đang nghiêm trọng hóa chuyện gia đình sao.
3 năm rồi tôi mới gặp lại cô bạn từng rất thân thiết từ những năm cấp 3. Sau khi ra trường, tôi thì lấy vợ, bạn thì ra nước ngoài du học rồi định cư hẳn ở bển nên hai đứa dần ít có thời gian, cơ hội gặp gỡ nhau hơn. Lần này bạn về nước khá lâu, con tôi giờ cũng đi mẫu giáo rồi nên nhìn chung không còn tất bật như trước.
Tôi gặp bạn sau hơn 3 năm cách nhau cả nghìn cây số, vẫn vui vẻ và nồng nhiệt như 2 đứa trẻ năm nào. Bạn kể tôi nghe cuộc sống ở nơi đất khách quê người ra sao, thô và thật đến mức bạn kể 1 tuần đầu sang đây bạn không giặt tất mà cũng không bị "rau mùi".
Chúng tôi trò chuyện, cười nói rất thoải mái. Nhìn bạn giờ xinh đẹp khoác lên người những trang phục đắt tiền, xách chiếc túi bằng cả nửa năm lương của tôi, tôi liền khen bạn thật tốt số. Thế nên khi nhìn bạn mặt tĩnh lại rồi nói câu đầy "người lớn" kia, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tôi thậm chí còn nghĩ đó là "phút rửng mỡ" của một cô nàng đã quá đủ đầy, cho đến ngày chị gái tôi đâm đơn ly hôn.
|
Ảnh minh họa. |
Chị tôi là một người phụ nữ điển hình của hy sinh, cam chịu. Bố tôi đi làm xa nhà từ ngày hai chị em còn nhỏ nên chị tôi càng ảnh hưởng nhiều từ cách sống của mẹ và bà. Ngày còn nhỏ, chị luôn học thật tốt để không phụ lòng mẹ cha, khi kết hôn, chị luôn gắng vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình. 12 năm kết hôn, tôi luôn thấy chị tất bật với đủ thứ công việc nhưng vẫn chẳng một lời oán than. Chị luôn đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục, hình thành nhân cách con người và nhắc nhở mọi người hãy luôn cố gắng để con cái được sống trong mái nhà có đủ mẹ cha. Vậy mà sau ngần ấy năm trời, khi chuyện con cái đã không còn tất bật, chị về ngoại cùng lá đơn ly hôn.
Anh rể tôi không ngoại tình cũng không có người phụ nữ nào khác, chị bảo vậy. Hàng tháng anh đều đưa một phần lương để chị có thể trang trải sinh hoạt phí rồi tiền nuôi dạy các con. Ai ở ngoài nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ với gia đình tưởng chừng viên mãn của chị.
Vậy nhưng rồi, khi người ta cô đơn ngay trong chính cuộc hôn nhân của mình, cảm giác đó thật đáng sợ lắm thay. Sau 12 năm cố gắng giữ mình không đi chệch khỏi con đường đã vạch sẵn ra, chị nói đã quá mệt mỏi mỗi đêm đợi chồng đi nhậu bên mâm cơm nguội ngắt. 12 năm bên nhau cũng là ngần ấy thời gian chị chưa từng nhận được một bó hoa, món quà hay lời chúc mừng nào từ người đầu gối tay ấp. Đêm con khóc cũng chị, ngày con đau cũng chị, anh luôn để chị một mình xoay sở với cả thế giới ngoài kia. Chị đã từng sống với tâm thế thôi thì coi chồng như khách trong nhà, thêm bát thêm đũa là xong, cố để con vẫn có cha có mẹ.
"Em có biết nằm cạnh chồng mà vẫn cảm thấy cô đơn là thế nào không? Đó là khi khoảng cách vật lý thì gần lắm nhưng hai trái tim đó đã cách xa vạn dặm rồi".
Trong hôn nhân, đàn ông nghĩ rằng chỉ cần mình kiếm ra tiền đưa vợ lo cho con, không có mối quan hệ chim chuột nào bên ngoài, thế là đã hoàn hảo lắm rồi. Họ mặc định về sự kề bên của vợ và nghĩ rằng đàn bà sẽ mãi ở đó chẳng bao giờ rời đi.
Song họ lại không biết một điều rằng, thực ra phụ nữ đơn giản lắm. Tất cả những gì họ cần khi bước vào cánh cửa hôn nhân đó là khó khăn đến mấy vẫn luôn có một người bạn đời quan tâm, thấu hiểu. Tiền bạc rất quan trọng, nhưng chúng chưa bao giờ có thể thay thế được sự quan tâm chân thành. Một khi nỗi cô đơn ấy tích tụ ngày qua ngày, khi người phụ nữ cô đơn trong chính căn nhà của mình, mọi níu kéo của đàn ông sẽ đều là vô nghĩa!
Theo Hương Giang /Khám phá