Chi phí điều trị cho tình trạng này vô cùng tốn kém. Vậy phải làm gì để tránh các nhiễm trùng chết người này?
Tốn kém vài trăm triệu đồng vẫn tàn phế
Bà Đỗ Thị Nguyệt (58 tuổi ở Tuyên Quang) khóc sụt sịt khi phóng viên hỏi lúc đang được thay băng một bên chân cắt cụt tới gối. Bà cho biết, cách đây hơn 2 tháng bà đi chăn trâu dẫm phải gai. Tưởng bình thường nào ngờ vết gai đâm sưng rồi mưng mủ mãi không khỏi, đi khám thì phát hiện đường máu tăng cao. Bà Nguyệt đã tới điều trị tại bệnh viện tuyến dưới nhưng bệnh tình không cải thiện, đến khi bị sốt cao, chân hoại tử từ ngón lên gần gót, bà Nguyệt được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết nặng. Điều trị gần 2 tháng trời, tốn vài trăm triệu đồng mới cứu được mạng sống của bà nhưng chân thì bị cắt cụt.
|
ThS Mai Trang đang thay băng vết thương cho bà Nguyệt. |
ThS Đặng Thị Mai Trang, Phụ trách Khoa Chăm sóc Bàn chân, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, tình trạng như bà Nguyệt xảy ra khá phổ biến. Ngày nào khoa cũng phải tiếp nhận các bệnh nhân ĐTĐ bị nhiễm trùng bàn chân nặng mà khởi điểm chỉ từ những vết thương nhỏ như vết xước da, gai đâm, viêm kẽ ngón chân... Rất nhiều người trong số họ do chủ quan hoặc tự chữa ở nhà, sau đó tình trạng nhiễm trùng trở nên rất nặng, thành nhiễm trùng huyết, viêm phổi – suy hô hấp, hoại tử chân, thậm chí hôn mê cận kề cái chết mới được chuyển đến tuyến chuyên khoa khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và chi phí tốn kém. Một trong những lý do là bởi người dân chưa có thói quen khám sức khoẻ định kỳ, đến khi bệnh nặng đi viện thì đã muộn.
Theo ThS Đặng Thị Mai Trang, người bệnh ĐTĐ rất dễ bị nhiễm trùng do lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đồng thời môi trường có nồng độ đường cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, người bị ĐTĐ thường có biến chứng tổn thương thần kinh, mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến các chi, cũng làm tăng mức độ nặng các tổn thương do nhiễm trùng mà nhiễm trùng ở người ĐTĐ rất khó điều trị, thời gian hồi phục lâu, dễ diễn tiến nặng hơn dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.
Phát hiện bệnh sớm và chăm sóc chân hằng ngày
ThS Đặng Thị Mai Trang cảnh báo, có tới 70% bệnh nhân ĐTĐ lần đầu đi khám tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã bị biến chứng bàn chân như tê bì, giảm cảm giác bàn chân, dị cảm da, viêm da, viêm móng... 80% bệnh nhân điều trị ĐTĐ lâu năm phải điều trị biến chứng này và gần 40% tổng số người có nhiễm trùng bàn chân phải cắt cụt ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với biến chứng nhiễm trùng bàn chân người bệnh phải thực hành kiểm tra, chăm sóc bàn chân cẩn thận mỗi ngày.
Để máu lưu thông tốt, luôn cử động cẳng, bàn chân 5 phút/lần và không nên mang tất chân và quần quá chật... Tái khám ngay khi bàn chân có biểu hiện bất thường như đau, loét, đốm đỏ hay sưng... và định kỳ khám bàn chân bởi bác sĩ chuyên khoa ít nhất 1 lần/năm.
Thúy Nga