Cú sốc tuổi dậy thì của chàng trai tự kỷ 15 tuổi

Google News

“Lúc đó tôi thực sự hoảng loạn, con đau một thì mẹ đau mười. Tôi đã phải dùng rất nhiều biện pháp có thể giảm bớt những rủi ro cho con, trong đó có cả kỹ năng điều hòa cảm giác"...

"Đừng phóng đại con tôi thành… thiên tài"
Năm 2001, Nguyễn Trung Hiếu tròn 3 tuổi. Thời điểm này, chứng tự kỷ của em ngày càng nặng. Hiếu thường xuyên la hét, đập đầu vào tường.
"Có lần, con cầm kéo và cắt hết mọi thứ xung quanh mình, tôi cất các vật dụng đi. Không còn lại gì, con cầm kéo cắt luôn một miếng thịt trên cánh tay mình. Máu chảy, con cũng không đau, không khóc…
Đêm con không ngủ, ngồi chơi cho đến sáng. Mẹ phải thức cùng. Chuyện con ăn vạ, đập đầu vào tường liên tục, cấu xé ăn vạ…là chuyện “như cơm bữa” ở nhà tôi", chị Mai Anh, mẹ của Trung Hiếu, kể.
Trước đó chị Mai Anh đã đưa con đi khắp nơi để tìm phương pháp can thiệp nhưng không có kết quả. Nhìn con gầy gò, ngu ngơ…trái tim người mẹ đau nhói.
Cu soc tuoi day thi cua chang trai tu ky 15 tuoi
Nguyễn Trung Hiếu lúc nhỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp 
Trong lúc cùng quẫn, loay hoay vì không biết làm gì để giúp con, chị được người bạn giới thiệu gặp một người mẹ ở TP.HCM cũng có con bị tự kỷ.
Theo như giới thiệu, người mẹ này có phương pháp dạy và chăm sóc cho trẻ tự kỷ rất hiệu quả. Chị ấy đã áp dụng với con mình và đạt được những kết quả khả quan.
Về phần chị Mai Anh, chị thử nhiều phương pháp nhưng con không có biến chuyển, Trung Hiếu vẫn thờ ơ, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh.
Dù đang mang thai ở tháng thứ 8, chị vẫn lặn lội tìm đến người phụ nữ ở TP.HCM nhân dịp chị này ra Hà Nội công tác, mong một tia hi vọng sẽ đến với cuộc đời đứa con bé bỏng của chị.
Thế nhưng lớp học chăm sóc và nuôi dạy trẻ tự kỉ khá đắt đỏ. Thời điểm này hai vợ chồng chị vừa mua nhà, cộng với việc đưa con đi khắp nơi chữa trị gần như kinh tế gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ.
Dù vậy, chị vẫn vay mượn khắp nơi và bán tài sản cá nhân để góp đủ tiền tham gia lớp học đó.
Một tuần đi học, cả gia đình chị được yêu cầu tất cả phải tham gia, từ ông bà nội ngoại, anh em, vợ chồng. May mắn, chị được gia đình ủng hộ, cả nhà quyết tâm đi học cùng chị.
Và phép màu đã đến, sau 3 tháng áp dụng phương pháp học được, Trung Hiếu biết quay lại khi có người khác gọi tên. Em biết mang nước đưa cho mẹ, làm những việc đơn giản…
Những khoảnh khắc đó, với người mẹ khác có thể là bình thường nhưng đối với chị, đó là giây phút hạnh phúc tột độ, trong lòng chị ánh lên niềm hi vọng cho con.
Dần dần, Trung Hiếu biết được nhiều thứ hơn. 5 tuổi Hiếu biết viết, biết làm toán. “Lúc này Hiếu chưa biết nói, tôi sợ con không biết làm thế nào để diễn tả điều con cần vì thế tôi dạy con học chữ, để con có thể viết ra những gì con nghĩ. May mắn, trong năm này con cũng bắt đầu tập nói”.
Lên 6 tuổi, Hiếu bắt đầu bộc lộ sở thích với âm nhạc, hội họa. Chị Mai Anh mua đàn, mua giấy về cho con học, rồi mời cả thầy về dạy kèm.
Trải qua nhiều cố gắng, Hiếu phát triển được tư duy hình ảnh. Cậu bắt đầu vẽ những nét nguệch ngoạc về bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu.
"Ban đầu con chỉ vẽ lung tung khắp tường nhà. Điều ấy khiến tôi hiểu, thế giới của con rất lộn xộn và nghèo nàn".
Cu soc tuoi day thi cua chang trai tu ky 15 tuoi-Hinh-2
Trung Hiếu đang vẽ tranh sơn dầu. Ảnh: Gia đình cung cấp 
Sự kiên trì của chị Mai Anh đã được đền đáp, khi giờ đây, Hiếu có thể vẽ thành thạo cả tranh sơn dầu, đánh thạo những bản nhạc ballad hay cả chương giao hưởng dài. Ngoài piano, organ, Hiếu còn có thể chơi saxophone, sáo, guitar, trống, kèn...
Từ một đứa trẻ tưởng như vô vọng về tương lai, ngoài khả năng chơi nhạc, vẽ tranh chị Mai Anh đã giúp con mình phát triển cao độ các khả năng vốn có như nhớ rất lâu, tính toán con số nhanh… đến huấn luyện con biết làm việc nhà.
"Đến giờ, Hiếu có thể chơi nhạc, vẽ tranh hay làm toán nhanh nhưng với những người tự kỷ - đó chỉ là khả năng sao chép lại như một cái máy chứ không phải xuất phát từ cảm xúc thật.
Như khi con chơi đàn, con có thể đánh một bản giao hưởng khó nhưng bản nhạc đó sẽ không bao giờ có hồn của người chơi nên đừng phóng đại con tôi thành…thiên tài”.
Theo chị Mai Anh, những khả năng Trung Hiếu có được chỉ là chìa khóa giúp Hiếu bước đầu hòa nhập vào cuộc sống nhưng tương lai phía trước cho Hiếu vẫn còn mờ mịt. Bởi theo chị, tự kỷ là dạng khuyết tật bẩm sinh, khó có thể chữa được…
Cú sốc ở tuổi dậy thì
Đến năm 15 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì, Trung Hiếu thay đổi hoàn toàn. Những kỹ năng Hiếu được dạy trước đó gần như mất hết.
“Thời kỳ này với gia đình tôi còn khủng khiếp hơn thời kỳ bắt đầu biết con mắc chứng tự kỷ. Bản thân tôi thấy sốc nặng, vì mọi thứ đang theo đà tiến triển rất tốt, tự nhiên đảo lộn hết”.
Theo chị Mai Anh, đầu tiên, Hiếu sụt cân rất nhanh, có tháng Hiếu sụt 5kg. Tính tình con cũng đổi khác, cố tình không nghe lời mẹ và làm theo những gì mẹ chỉ bảo. Đến bữa cơm không chịu ăn, mẹ đút cơm vào miệng là Hiếu nhè ra.
Điều khiến chị lo sợ nhất đó là Hiếu tìm mọi cách làm tổn thương bản thân mình. Thời kỳ này, các hóc môn giới tính phát triển mạnh, Hiếu có biểu hiện của đàn ông như mọc râu, vỡ giọng.
Sự phát triển của hóc môn giới tính khiến Hiếu không thích ứng kịp, nhiều lần buổi đêm Hiếu tự dùng tay cấu vào da thịt đến tóe máu, có khi cho ngón nhân dưới chân bàn rồi bê bàn đập thật mạnh làm móng chân bật ra, không thì lạidùng chiếc kéo tự cắt một mảnh da thịt mình...
Cu soc tuoi day thi cua chang trai tu ky 15 tuoi-Hinh-3
Trung Hiếu cho tay vào cánh quạt đang chạy để làm đau chính bản thân mình trong giai đoạn dậy thì. Ảnh: Gia đình cung cấp 
Đồng hành cùng trẻ tự kỷ là công việc không hề đơn giản”, chị Mai Anh nói. Chị kể tiếp: “Vào mùa hè, khi quạt máy đang quay vù vù, Hiếu thản nhiên cho ngón tay vào cánh quạt. Bị quạt “chém” chảy máu con không có phản ứng gì, không đau cũng không khóc.
Sợ hãi, lo lắng chị Mai Anh ôm Hiếu vào lòng và thét lên: “Con đừng làm đau con nữa, khó chịu trong người thì con cứ đánh mẹ đây này…”.
“Lúc đó tôi thực sự hoảng loạn, con đau một thì mẹ đau mười. Tôi đã phải dùng rất nhiều biện pháp có thể giảm bớt những rủi ro cho con, trong đó có cả kỹ năng điều hòa cảm giác.
Với trẻ tự kỷ, giai đoạn dậy thì rất khó khăn. Cảm xúc, giác quan của trẻ tự kỷ bị rối loạn rất nhiều, do đó cháu luôn tìm cảm giác mạnh để cảm thấy mình đang tồn tại; có những thái độ để tự khẳng định mình như không nghe lời mẹ, chứng tỏ mình lớn rồi”, người mẹ có con bị tự kỷ trải lòng.
Bước vào tuổi 17, những “xung đột” trong cơ thể Hiếu dịu dần, cậu không tự “hành hạ” bản thân nữa nhưng những “rung cảm” với người khác giới khiến chị Mai Anh phải đau đầu, kè kè bên cạnh Hiếu 24/24 giờ tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo đó, ở tuổi này Hiếu bộc lộ cảm xúc với người khác giới từ người lớn tuổi đến các bạn nữ. Thấy phụ nữ lạ là Hiếu chạy đến mân mê tóc rồi xoa tóc vào má họ. Người quen thông cảm được với người lạ chị không biết giải thích thế nào cho họ hiểu.
Lúc này, chị phải dạy cho Hiếu về vòng tròn giới tính, quy định chỉ bố mẹ là Hiếu được ôm hôn, còn người ngoài phải đứng cách xa nửa mét, đi đâu chị cũng phải hô khẩu lệnh "nửa mét, nửa mét" để Hiếu nhớ.
“Trẻ bình thường dạy một lần là biết làm, nhưng với trẻ tự kỷ có khi dạy hàng năm trời cũng chưa làm được”- Chị Mai Anh nói.
Điều chị Mai Anh cũng như các phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ mong muốn là một ngày người tự kỷ ở Việt Nam sẽ nhận được cái nhìn cảm thông hơn từ xã hội. Họ sẽ được hưởng các chính sách pháp lý, giáo dục, y tế như những ngườ khuyết tật khác.
Và chặng đường tìm lại cuộc sống cho con bị tự kỷ của các mẹ Việt thì vẫn dài mãi...
Theo Diệu Bình- Ngọc Trang/Vietnamnet