Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 443.451.776 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.008.203 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.442.016 và 6.988 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 376.322.984 người, 61.120.589 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 72.549 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm COVID-19 mới với 266.838 ca; Đức đứng thứ hai với 203.972 ca; tiếp theo là Nga (89.174 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.029 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 776 ca và Brazil với 609 ca.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.882.642 người, trong đó có 982.990 ca tử vong. Trước đó, CDC Mỹ ước tính số ca nhiễm tại Mỹ có thể đã lên tới khoảng 140 triệu. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.956.806 ca nhiễm, bao gồm 514.904 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 28.973.799 ca bệnh và 651.255 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 159 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 119,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,2 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 54,6 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,55 triệu ca và châu Đại Dương trên 3,75 triệu ca nhiễm.
|
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Người mắc COVID-19 khó loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể
Theo kết quả nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature Communications, những người mắc COVID-19 có thể có một số biến thể của virus trú ẩn trong hệ miễn dịch. Phát hiện này cho thấy người từng mắc COVID-19 nhiều khả năng sẽ khó loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu quốc tế do Giáo sư Imre Berger tại Đại học Bristol (Anh) và Giáo sư Joachim Spatz tại Viện Nghiên cứu Y khoa Max Planck ở Heidelberg (Đức) đứng đầu đã tiến hành tổng hợp và phân tích 2 nghiên cứu riêng biệt khẳng định virus SARS-CoV-2 có thể tiến hóa trong các loại tế bào khác nhau và nhanh chóng đáp ứng miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện biến thể BrisDelta bùng phát ở Bristol ngay từ những ngày đầu. Biến thể này đã thay đổi so với chủng virus gốc nhưng vẫn tồn tại trong hệ miễn dịch của người bệnh.
Nhóm nghiên cứu kết luận trong cơ thể của người từng mắc COVID-19 có thể tồn tại một số biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Một số biến thể có thể ẩn náu trong các tế bào thận hoặc lá lách trong khi cơ thể kích thích hệ miễn dịch chống lại virus. Điều này có thể khiến nhiều bệnh nhân khó có thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể.
Vaccine mRNA giảm hiệu quả trước 3 biến thể phụ của Omicron
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) và Đại học Hong Kong (Trung Quốc), hiện có duy nhất một phương thuốc điều trị bằng kháng thể đã được cấp phép có thể chống lại tất cả các biến thể phụ của Omicron, trong khi hiệu quả của các loại vaccine theo công nghệ mRNA đều bị giảm đi trước 3 biến thể phụ của Omicron. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature vào đầu tháng 3.
Omicron là biến thể có khả năng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 và đến nay là nguyên nhân dẫn đến làn sóng dịch bệnh có số ca tăng mạnh nhất tại nhiều quốc gia. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 3 biến thể phụ của Omicron có chung 21 đột biến tại protein gai là BA.1, BA.1.1 và BA.2.
Khi Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2011, biến thể chủ đạo vào thời điểm đó là BA.1. Kể từ tháng 12, các trường hợp nhiễm BA.1 đã giảm đi, trong khi các trường hợp nhiễm BA1.1 lại có xu hướng tăng lên và chiếm tới 40% số ca nhiễm Omicron trên toàn cầu. Trong khi đó, biến thể phụ BA.2 hiện chỉ chiếm 10% số ca nhiễm Omicron trên thế giới nhưng lại đang ngày càng trở nên phổ biến.
91% trường hợp tử vong ở Malaysia không biết mình mắc COVID-19
Số ca tử vong trước khi nhập viện đang gia tăng tại Malaysia và 91% nạn nhân không biết mình đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thông tin tại buổi họp báo ngày 4/3, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, trong số 113 trường hợp tử vong được khám nghiệm từ ngày 5 đến 21/2 chỉ có 9% biết về tình trạng nhiễm bệnh của họ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy 91% số ca tử vong có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hơn 50% thân nhân của người xấu số tin rằng người nhà của họ chỉ bị bệnh nhẹ, do đó đã không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời và khi virus được phát hiện thì đã quá muộn và những người thân đã tử vong tại nhà hoặc một nơi khác ngoài cơ sở y tế.
Ông Khairy nhấn mạnh, mặc dù làn sóng Omicron không mạnh như Delta, nhưng đối với người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền thì sự lây nhiễm không chỉ là một bệnh nhiễm trùng nhẹ mà có thể gây chết người.
Triển vọng chẩn đoán mắc COVID-19 qua ảnh chụp X-quang
Công nghệ chính để xác định một người mắc COVID-19 là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase PCR. Quá trình này có thể phát hiện ADN của virus SARS-CoV-2 có hiện diện trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân hay không. Mẫu bệnh phẩm này thường được lấy từ dịch họng hoặc dịch mũi và quá trình xét nghiệm PRR thường mất khoảng 2 giờ hoặc lâu hơn.
Do đó, nhóm nghiên cứu của các trường Đại học Tây Scotland và Đại học Durham đã tìm tòi các phương pháp nhanh chóng và có thể thay thế cho PCR, sử dụng những thiết bị sẵn có tại bệnh viện, đặc biệt là các máy móc tại khoa X-quang.
|
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/3/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN |
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành huấn luyện và thử nghiệm một số thuật toán khác nhau, sử dụng dữ liệu gồm khoảng 3.000 ảnh chụp X-quang. Số dữ liệu này trộn lẫn cả ảnh của người mắc COVID-19, người khỏe mạnh và người bị viêm phổi do virus. Trong quá trình xây dựng chương trình, họ cũng nâng cấp các thuật toán để có thể phát hiện tốt hơn các điểm khác biệt giữa các ảnh chụp X-quang.
Qua thời gian, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một thuật toán có hiệu quả vượt trội. Tiếp đó, họ đưa vào thuật toán một bộ ảnh chụp X-quang hoàn toàn mới và lọc tìm các bệnh nhân mắc COVID-19, đem lại kết quả chính xác tới 98,04%.
Từ kết quả này, họ đã phát triển một ứng dụng có thể chạy chương trình bên ngoài phòng thí nghiệm. Ứng dụng này không cần nhiều bộ nhớ trong máy tính hoặc điện để vận hành, có thể được cài đặt trên các máy tính cá nhân hay máy tính xách tay bình thường. Ứng dụng này cũng được thiết kế mà không cần thêm bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ. Người dùng chỉ cần tải ảnh chụp X-quang lên ứng dụng qua USB hoặc trang web, tiếp đó thuật toán sẽ tự động phân tích hình ảnh và trả lại kết quả xác nhận xem họ có mắc COVID-19 hay không.
Phát triển vaccine ngừa COVID-19 riêng cho động vật
Australia sẽ sớm thử nghiệm trên vật nuôi một loại vaccine ngừa COVID-19 do một nhà nghiên cứu nước này phát triển riêng cho động vật.
Vaccine do Giáo sư Nikolai Petrovsky tại Đại học Flinders và bác sĩ thú y Sam Kovac nghiên cứu và phát triển thông qua điều chỉnh loại vaccine COVAX-19 hiện có. COVAX-19 đã được tiêm cho hàng triệu người ở Iran và đang chờ cấp phép sử dụng để tiêm cho người dân Australia. Tham gia thử nghiệm loại vaccine COVAX-19 cho động vật có 25 con vật nuôi, trong đó có 3 chú chó của bác sĩ thú y Sam Kovac.
Không giống như các loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp khác, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được chứng minh là có thể lây truyền từ người sang vật nuôi như chó, mèo, chồn sương... Khi nhiễm bệnh, vật nuôi cũng có nguy cơ bị viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy hô hấp, nhưng cũng có thể chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc 20 loại bệnh về tim mạch
Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu cho biết những người mắc COVID-19 có nguy cơ xuất hiện bệnh lý liên quan đến tim mạch 30 ngày sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu đã phát hiện rằng những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc 20 bệnh khác nhau về tim mạch, như đau tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đột quỵ, rối loạn mạch máu não và rối loạn nhịp tim. Ngay cả những bệnh nhân COVID-19 không phải nhập viện cũng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người không nhiễm virus.
Tiến sĩ Evelina Grayver, phụ trách chương trình sức khỏe tim mạch của phụ nữ tại Northwell Health, cho biết nhiều bệnh nhân phải chịu các hội chứng COVID-19 kéo dài liên quan tim mạch như viêm cơ tim rất sợ tập thể dục, nhưng chính việc tập luyện có thể đóng một vai trò trong phục hồi. Bà kêu gọi những người có lịch sử viêm cơ tim và sợ tập thể dục nên tham gia một chương trình phục hồi tim và sau khi chức năng tim được phục hồi hoàn toàn, vấn đề còn lại là thúc đẩy bản thân luyện tập hằng ngày.
Đối với các bệnh nhân COVID-19 có vấn đề về phổi, bà Grayver gợi ý nên theo dõi nồng độ ô xy trong máu (SpO2) để có chế độ luyện tập phù hợp.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức