COVID-19 tới 6h sáng 5/12: Biến thể Omicron lan ra 44 nước

Google News

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 511.000 ca mắc COVID-19 và trên 5.400 ca tử vong.

Tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch tới nay đã là trên 265,6 triệu ca, trong đó trên 5,26 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (51.624 ca), Mỹ (trên 50.000 ca), Đức (46.379 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.215 ca), Ba Lan (502 ca), Mỹ (478 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 49,9 triệu ca mắc và 808.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh các ca mắc biến thể Delta tiếp tục tăng, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc biến thể mới Omicron. Ngay sau khi ca đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, bất chấp việc nhiều nước nhanh chóng đóng cửa biên giới với du khách đến từ các nước miền nam châu Phi.
Tính đến sáng 5/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở hầu khắp khu vực trên thế giới như châu Phi (Nam Phi, Botswana, Ghana…), châu Âu (16 nước, trong đó có Anh, Pháp Đức, Đan Mạch, Italy…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada), Trung Đông (Israel, Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia) và châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka).
Hàn Quốc có ca mắc và tử vong mới do COVID-19 cao kỷ lục
COVID-19 toi 6h sang 5/12: Bien the Omicron lan ra 44 nuoc
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN 
Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 4/12 thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 theo ngày cao kỷ lục ở nước này, lần lượt là 5.352 ca và 70 ca.
Tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 đang tăng nhanh, đặc biệt số ca nặng hiện là 752 ca tính đến ngày 3/12.
KDCA cũng ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại Hàn Quốc lên 9 ca. Trong số ca nhiễm mới được ghi nhận, một cặp vợ chồng đã tiêm vaccine đầy đủ, có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi trở về từ Nigeria tuần trước.
Nhằm ngăn chặn biến thể mới lây lan, ngày 3/12, nhà chức trách Hàn Quốc thông báo siết chặt quy định phòng dịch, theo đó từ ngày 6/12 tới, mọi người phải trình chứng nhận tiêm phòng trước khi vào nhà hàng, rạp chiếu phim và các không gian công cộng khác. Bên cạnh đó, quy định số người được phép tụ tập bị hạn chế từ 10 người xuống còn 6 người ở vùng thủ đô Seoul, và từ 12 người xuống còn 6 người ở ngoại ô. Quy định mới cũng yêu cầu cách ly bắt buộc 10 ngày đối với bất cứ ai nhập cảnh trong 2 tuần tới, kể cả người đã tiêm phòng đầy đủ.
Hàn Quốc đang chống chọi với làn sóng dịch tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 7, thời điểm số ca nhiễm mới ở dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày và chính phủ chuyển sang chủ trương "sống chung với COVID-19". Tuần này, số ca nhiễm mới ở nước này lần đầu tiên tăng lên mức 5.000 ca/ngày, gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế.
Theo thống kê, 91,7% người trưởng thành ở Hàn Quốc đã tiêm đầy đủ vaccine. Tổng số ca nhiễm trên cả nước hiện là 467.907 ca và số ca tử vong là 3.890 ca kể từ đầu dịch.
Indonesia cấm các hoạt động đón Giáng sinh và Năm mới
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Cảnh sát Quốc gia Indonesia sẽ cấm các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022.
Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia, Tổng Thanh tra Dedi Prasetyo, cho biết tất cả các hoạt động tập trung đông người chào đón dịp lễ cuối năm đều bị cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây quan ngại trên thế giới. Ông khẳng định các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay với mọi đối tượng cố tình vi phạm chỉ thị của Bộ trưởng Nội vụ về phòng chống COVID-19 trong dịp lễ cuối năm.
Tổng Thanh tra Dedi cũng nhắc lại rằng trong dịp lễ sắp tới, tất cả các tỉnh thành trên cả nước sẽ thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3. Cảnh sát quốc gia sẽ giám sát thực thi PPKM tại các địa phương có đông người dân trở về quê nghỉ lễ, đồng thời triển khai lực lượng trực chốt tại các tuyến đường cao tốc, bến cảng và sân bay nhằm giám sát hoạt động đi lại của người dân.
Trước đó, ngày 17/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt PPKM cấp độ 3 trên khắp cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.
Theo Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy, tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc – kể cả các địa phương đang ở trạng thái PPKM cấp độ 1 và cấp độ 2 - cũng sẽ áp đặt PPKM cấp độ 3 nhằm thống nhất công tác phòng chống dịch trên quy mô quốc gia. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn. Trong khi đó, các quy định PPKM cấp độ 3 sẽ được áp đặt đối với các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ Giáng sinh, tham quan du lịch và các trung tâm mua sắm.
Theo kế hoạch, PPKM cấp độ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 đến ngày 2/1/2021.
Thêm 6 bang ở Mỹ ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron
Thêm 6 bang ở Mỹ đã xác nhận các ca nhiễm biến thể Omicron của viruss SARS-CoV-2, tuy nhiên các chuyên gia cho biết biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn nhất khi mùa Đông đến và người Mỹ bắt
Các bang New Jersey, Maryland, Missouri, Nebraska, Pennsylvania và Utah đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, bang Missouri đang chờ xác nhận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Mỹ về một ca liên quan đến một cư dân ở St. Louis gần đây có lịch trình đi lại trong nước Mỹ. Trước đó, biến thể này đã được ghi nhận ở các bang
Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết biến thể chủ đạo lây lan tại Mỹ vẫn là Delta.
Trong khi đó, Giáo sư Ashish Jha tại Đại học Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown cho biết sự gia tăng số ca nhiễm có thể sẽ gây thêm sức ép đối với các bệnh viện tại Mỹ, vốn đang đối mặt với quá nhiều ca phải điều trị. Trả lời phỏng vấn của hãng tin MSNBC, ông Jha bày tỏ: "Tôi đặc biệt lo ngại cho hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta trong vài tuần và vài tháng tới". Ông kêu gọi nhà chức trách có các kế hoạch tăng cường đội ngũ y bác sĩ.
Một cựu thành viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Giáo sư Scott Gottlieb cho biết các bang có tỷ lệ tiêm phòng cao sẽ được bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron. Theo ông Gottlieb, những người chưa tiêm phòng nhưng từng nhiễm biến thể Delta và bình phục cũng có thể miễn dịch đối với biến thể mới.
Thành phố Toronto (Canada) ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm Omicron
Tại Canada, Cơ quan y tế công cộng của thành phố Toronto thuộc tỉnh Ontario thông báo ghi nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Trong số này, 2 người từng đến Nigeria, trong khi người còn lại vừa trở về từ Thụy Sĩ.
Đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện tại khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tác động của biến thể Omicron. Các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể này gây các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước.
Anh ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể Omicron đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19
Theo Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA), nhiều ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh được ghi nhận cho đến nay là những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
UKHSA cho biết trong số 22 ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh được xác nhận tính đến ngày 30/11, có 12 ca phát hiện nhiễm sau hơn 14 ngày tiêm mũi vaccine gần nhất. Có 2 ca phát hiện nhiễm sau hơn 28 ngày kể từ khi tiêm mũi vaccine đầu tiên; 6 ca chưa tiêm vaccine và 2 ca chưa có thông tin tiêm chủng. Không có ca nào trong số 22 ca này nhập viện hay tử vong do COVID-19.
UKHSA nêu rõ phần lớn các ca nhiễm biến thể Omicron nói trên có mẫu xét nghiệm được thực hiện trong thời gian rất gần đây. Dữ liệu trên không thể hiện mức độ bảo vệ của vaccine chống biến thể Omicron, trong khi phần lớn các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta là ở những người đã tiêm chủng đầy đủ.
Tính đến ngày 1/12, Anh ghi nhận 32 ca nhiễm biến thể Omicron và trên 82.000 ca nhiễm biến thể Delta. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 do hai biến thể này tại Anh lên tới ít nhất 1,4 triệu ca.
Nhiều bang ở Đức siết chặt biện pháp phòng dịch
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 vẫn ở mức rất cao và tỷ lệ nhiễm mới tại nhiều nơi luôn chạm mốc cao kỷ lục mới, nhiều bang ở Đức đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa đại dịch.
Kể từ ngày 4/12, bang Nordrhein-Westfalen sẽ áp đặt nhiều biện pháp tăng cường để giảm xu hướng lây nhiễm cũng như phòng ngừa các nguy cơ từ biến thể Omicron. Theo đó, các câu lạc bộ và vũ trường sẽ bị đóng cửa. Người chưa tiêm chủng sẽ chỉ được gặp tối đa 2 người ngoài gia đình và chỉ được đi mua hàng phục vụ các nhu cầu hằng ngày. Các sự kiện lớn phải tuân thủ quy tắc 2G (đã tiêm, đã khỏi bệnh). Ngoài giới hạn về sức chứa, các sự kiện trong không gian kín sẽ bị giới hạn tối đa 5.000 người tham gia, ngoài trời là 15.000 người.
Bang Baden-Württemberg cũng tăng cường các biện pháp phòng COVID-19 lên cấp độ báo động II, theo đó các sự kiện lớn chỉ cho phép tối đa 750 người tham gia (bao gồm các sự kiện văn hóa, thể thao), trong khi các sự kiện quy mô nhỏ hơn chỉ cho phép sức chứa 50% so với thông thường. Tất cả các nhà hàng phải đảm bảo quy tắc 2G plus (đã tiêm, đã khỏi bệnh vẫn cần làm xét nghiệm). Tuy nhiên, những người đã tiêm mũi tăng cường từ ngày 4/12 sẽ không phải làm xét nghiệm thêm. Các chợ Giáng sinh, câu lạc bộ, vũ trường phải đóng cửa. Những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường tại các bang Rheinland-Pfalz và Niedersachsen từ ngày 4/12 không cần phải làm thêm xét nghiệm khi vào các nhà hàng hay các cơ sở thể thao - những nơi áp dụng quy tắc 2G plus. Tại Hamburg, các quy định chặt chẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/12, bao gồm áp dụng quy tắc 2G tại các cơ sở bán lẻ, hạn chế tiếp xúc đối với những người chưa tiêm, vũ trường phải áp dụng quy tắc 2G plus.
Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận 46.379 ca nhiễm mới và 222 ca tử vong. Số ca tử vong trung bình trong tuần qua ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Nơi đang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân cao nhất ở Đức là huyện Mittelsachsen (bang Sachsen) với 2.062,5, so với mức trung bình trên cả bang là 1.209,4.
Biến thể Omicron chưa lan rộng tại Italy
Ông Giani Rezza, quan chức phụ trách y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Italy, khẳng định hiện biến thể Omicron chưa lan rộng tại nước này, ngoài ổ dịch ở Caserta, phía Bắc thành phố Naples.
Cũng theo ông Rezza, hiện nay Delta là biến thể duy nhất đang lây lan rộng tại Italy và vaccine vẫn đang là biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Ở Italy chỉ có một ổ dịch mắc biến thể Omicron, xuất phát từ một doanh nhân từ miền Nam châu Phi trờ về Caserta. Vợ, 2 con và các bạn cùng lớp với con của doanh nhân này đã bị lây nhiễm.
Theo số liệu của Bộ Y tế Italy, trong ngày 4/12, nước này ghi nhận 16.632 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong, đều cao hơn so với ngày trước đó. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng từ 2,5% lên 2,9%. Trong tuần từ 26/11 - 2/12, số ca mắc mới tính trên 100.000 dân tại Italy tăng lên 155 người so với mức 125 người trong tuần trước đó. Số ca nhập viện cấp cứu cũng tăng từ 6,2% lên 7,3%, trong khi số người phải nằm viện tăng từ 8,1% lên 9,1%. Tuy nhiên, dịch bệnh tại Italy vẫn được đánh giá nằm trong tầm kiểm soát.
Bỉ ban hành nhiều biện pháp kiểm soát dịch mới
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Bỉ đã tiến hành phiên họp khẩn cấp để quyết định về các biện pháp cần thiết mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn.
Một trong những biện pháp mới được Chính phủ của Thủ tướng Alexander De Croo đưa ra là yêu cầu tất cả các học sinh từ 6 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang tại lớp học, do tốc độ lây nhiễm bệnh ở nhóm đối tượng ngày càng tăng cao. Ngoài ra, chính phủ cũng quy định các lớp học phải trang bị thiết bị đo lượng khí CO2 và phải dừng hoạt động nếu có từ 2 trường hợp nhiễm bệnh trở lên. Các biện pháp này sẽ được áp dụng kể từ ngày 6/12.
Trong khi đó, toàn bộ các trường mẫu giáo và tiểu học sẽ nghỉ lễ từ ngày 20/12, sớm hơn 5 ngày so với lịch ban đầu. Đối với bậc trung học, các trường phải tổ chức dạy học theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, riêng các kỳ thi diễn ra trực tiếp. Đối với các trường đại học, Chính phủ Bỉ phân quyền cho Bộ trưởng Giáo dục Đại học của các vùng tự đưa ra các biện pháp phù hợp dựa trên cơ sở tham vấn các trường.
Riêng tại vùng Wallonia và Brussels, các lớp học sẽ vẫn diễn ra trực tiếp đến cuối năm nay. Trong khi đó, các lớp học nghệ thuật tuân theo quy tắc tương tự như giáo dục tiểu học và trung học. Với những học sinh thuộc diện đặc biệt và dễ bị tổn thương nhất, các em sẽ được dạy học trực tiếp.
Ngoài những quy định cho ngành giáo dục, Chính phủ Bỉ cũng ban hành lệnh cấm các sự kiện có từ 4.000 người trở lên từ ngày 4/12 và cấm các buổi hòa nhạc lớn cùng các sự kiện tổ chức trong nhà có quy mô từ 200 người kể từ ngày 6/12. Những sự kiện nhỏ, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và hội nghị trong nhà dưới 200 người vẫn được tổ chức nhưng bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang, có chứng nhận an toàn với COVID-19 và đảm bảo giãn cách. Đối với các sự kiện công cộng ngoài trời, ban tổ chức phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát nghiêm ngặt.
Bỉ công bố những biện pháp trên khi dịch bệnh COVID-19 tại nước này có xu hướng tăng nhanh những tuần gần đây. Trong tuần từ 23-29/11, trung bình mỗi ngày Bỉ ghi nhận 17.862 ca mắc mới, tăng 6% so với tuần trước đó. Tỷ lệ ca mắc trung bình trên 100.000 dân trong 2 tuần qua luôn ở mức trên 2,1%. Ngoài ra, số ca tử vong trung bình trong 7 gần đây cũng đã lên tới 44 ca/ngày, tăng 23% so với một tuần trước đó. Tính đến nay Bỉ đã ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 với 27.120 ca tử vong.
Quần đảo Cook ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19
Ngày 4/12, Quần đảo Cook (Cook Islands) đã ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này chuẩn bị mở cửa trở lại đón khách du lịch.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Mark Brown cho biết ca mắc COVID-19 đầu tiên tại quốc đảo này là một bé trai 10 tuổi, đang cách ly sau khi nhập cảnh từ một chuyến bay hồi hương cùng gia đình ngày 2/12. Cậu bé này được cho là từ New Zealand về nước.
Thủ tướng Brown nêu rõ: "Chúng tôi đã chuẩn bị cho thời điểm mở cửa biên giới trở lại. Các cơ chế xét nghiệm của chúng tôi đã chứng tỏ hiệu quả của công tác chuẩn bị này khi phát hiện ca nhiễm ngay ở biên giới".
Quần đảo Cook có khoảng 17.000 dân, là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất thế giới, với 96% dân số ở độ tuổi tiêm chủng đã được tiêm đủ vaccine, và đã đóng cửa biên giới từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Quốc đảo Nam Thái Bình Dương này từng thông báo kế hoạch nối lại hoạt động đi lại không cách ly với New Zealand từ ngày 14/1/2021, song ngay sau đó đã phải đình chỉ kế hoạch này do bùng phát ổ dịch ở Auckland.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức