Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 290.439.791 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.459.800 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 694.660 và 2.561 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 254.465.682 người, 30.514.309 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 89.617 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 137.583 ca; Mỹ đứng thứ hai với 108.634 ca; tiếp theo là Italy (61.046 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 811 người chết trong ngày; tiếp theo là Việt Nam (221 ca) và Italy (133 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 56.052.638 người, trong đó có 847.300 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.917.590 ca nhiễm, bao gồm 481.770 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.293.228 ca bệnh và 619.139 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 88,74 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 84,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 66,43 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,86 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,87 triệu ca và châu Đại Dương trên 627.000 ca nhiễm.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại British Columbia, Canada, ngày 18/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Israel tiêm vaccine liều thứ 4 cho người trên 60 tuổi
Thủ tướng Israel Naftali Bennett tối 2/1 (theo giờ địa phương) thông báo nước này sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế. Ông Bennett cũng cảnh báo đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ 5 ở Israel có thể lên tới 50.000 ca bệnh mới/ngày.
Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Israel thời gian gần đây đang tiếp tục tăng mạnh, với số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày khoảng 5.000 người. Số bệnh nhân mới trong vòng 1 tuần qua là gần 27.000 người, tăng gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó. Tính đến ngày 2/1, Israel đã nghi nhận tổng cộng hơn 1,392 triệu ca COVID-19, trong đó có 8.244 người tử vong.
Cùng ngày, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho rằng đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron có thể dẫn đến miễn dịch cộng đồng ở nước này.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: Reuters
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay, Israel đã ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca mắc. Theo chuyên gia dữ liệu Eran Segal, một cố vấn của chính phủ từ Viện nghiên cứu khoa học Weizman, trong đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron, Israel có thể ghi nhận từ 2-3 triệu người nhiễm bệnh trước khi đợt bùng phát lắng dịu vào cuối tháng 1 này.
Chuyên gia cảnh báo Mỹ thận trọng trước biến thể Omicron
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci ngày 2/1 cho rằng nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới COVID-19 “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron. Ông cho rằng tốc độ lây nhiễm hiện nay là “thực sự chưa từng có tiền lệ”.
Hôm 31/12/2021, Mỹ đã ghi nhận 440.000 ca mắc mới COVID-19, tăng gần gấp đôi so với đỉnh dịch hồi tháng 2/2021. Tuy nhiên, ông Fauci cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy độc lực của Omicron không mạnh bằng các biến thể trước đó và tỷ lệ nhập viện, cũng như tử vong, tại Mỹ những tuần gần đây thấp hơn nhiều so với các làn sóng COVID-19 trước đó. Theo chuyên gia này, việc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng rồi lại giảm mạnh tại Nam Phi cuối năm ngoái cho thấy có cơ sở để hy vọng.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 20/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tuy nhiên, với việc học sinh Mỹ sẽ trở lại trường học từ ngày 3/1 sau kỳ nghỉ cuối năm, ông Fauci tiếp tục kêu gọi các phụ huynh đảm bảo cho mình được tiêm vaccine, sử dụng khẩu trang và xét nghiệm nếu cần thiết. Chuyên gia dịch tễ này cảnh báo vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng gia tăng số ca nhập viện tại Mỹ, qua đó gây áp lực cho hệ thống y tế do số lượng bệnh nhân COVID-19 mới quá cao.
Hàn Quốc áp dụng "giấy thông hành vaccine"
Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ ngày 3/1 tới sẽ áp dụng "giấy thông hành vaccine" tại nhiều điểm công cộng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh gần đây. Đáng chú ý là giấy thông hành này sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đủ 6 tháng sau khi tiêm các mũi cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường.
Theo quy định mới, những người đã hoàn thành tiêm chủng vào ngày 6/7/2021 trở về trước sẽ được phép sử dụng giấy thông hành này để đến các điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, nhà hát, trường luyện thi hoặc các cơ sở đa năng trong phòng kín. Những người chưa tiêm phòng sẽ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi vào các địa điểm trên.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm tăng và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Ngày 2/1, nước này ghi nhận 3.833 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 639.083 ca.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Venezuela hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số
Ngày 1/1, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố nước này đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 90% dân số, bất chấp các lệnh bao vây cấm vận do Mỹ đơn phương áp đặt.
Ông Maduro cáo buộc Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, phong tỏa kinh tế chống lại Venezuela, trong đó có việc ngăn cản các công ty phân phối sinh phẩm cho quốc gia Nam Mỹ này. Theo Tổng thống Maduro, Venezuela đang triển khai chương trình tiêm chủng cho tất cả công dân từ 2 tuổi trở lên nhằm sớm đạt được miễn dịch mạnh và tiến tới trạng thái bình thường mới. Ông Maduro đánh giá công tác phòng chống dịch của Venezuela là “mẫu mực”, với tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 6 ca trên 100.000 dân. Venezuela đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 95% dân số trong năm 2022.
Australia: Ca nhiễm mới giảm nhưng số ca nhập viện tăng
Bộ Y tế Australia ngày 2/1 cho biết số ca nhiễm mới giảm trong ngày 2/1 nhưng số ca nhập viện đã tăng tại bang New South Wales, làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế quốc gia có thể quá tải.
Cụ thể, số ca nhiễm mới tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia, đã giảm từ 22.577 ca xuống còn 18.278 ca do số người đi xét nghiệm trong ngày đầu Năm mới giảm 1/4. Nhưng số ca nhập viện đã tăng 18%, lên 1.066 ca cùng ngày. Trong khi đó, tại bang Victoria, số ca nhiễm theo ngày vẫn trên 7.000 ca và bang Queensland ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục là 3.587 ca.
Đưa bệnh nhân COVID-19 đến bệnh viện ở Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tất cả các bang ở Australia, trừ bang Tây Australia, đã chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với dịch COVID-19 khi tỷ lệ tiêm phòng tăng. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đang khiến số ca nhiễm tăng cao. Mặc dù vậy, giới chức nước này hiện đang theo dõi sát số ca nhập viện, hơn là số ca nhiễm mới.
Cuba: Ca nhiễm và nhập viện theo ngày cao nhất trong 2 tháng
Tại Cuba, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo 469 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong ngày 1/1, nâng tổng số lên 966.473 ca nhiễm và 8.323 ca tử vong. Số ca nhập viện trong ngày 1/1 là 1.473 ca, cũng ở mức cao nhất trong vòng hai tháng.
Tỉnh Pinar del Rio ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất trong ngày đầu năm, với 98 ca. Tiếp theo là thủ đô La Habana với 80 ca và Camaguey có 62 ca nhiễm mới. Cuba đang tiếp tục chương trình tiêm chủng đại trà, với 9,6 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi cơ bản. Hơn 2 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Dearborn, bang Michigan, Mỹ ngày 17/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức