Cách đây gần 30 năm, chồng bà Lưu qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, bỏ lại bà đang mang thai 5 tháng. Nuốt trọn những giọt nước mắt đau đớn, bà Lưu một mình sinh nở và nuôi con trai khôn lớn.
Mỗi ngày đi làm về, bà đều ôm con vào lòng, kể cho con những nỗi vất vả của mình và than thở: "Cuộc sống này thật không dễ dàng gì, nào là học phí, rồi tiền sinh hoạt của con. Tương lai, nhất định con không được phụ lòng, để mẹ buồn đâu nhé. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho con đó".
Thấu hiểu sự hy sinh của mẹ, con trai bà Lưu luôn rất hiếu thuận, ngoan ngoãn, thương và thông cảm cho mẹ. Dù mẹ đúng hay sai, anh cũng ủng hộ bà vô điều kiện.
Chẳng bao lâu, con trai bé bỏng ngày nào đã khôn lớn, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến một ngày con mình sẽ kết hôn. Vì vậy, khi thấy con dắt bạn gái về ra mắt, người mẹ bất giác cảm thấy rất khó chịu.
Sau đó ít lâu, con trai nói muốn cưới cô gái đó làm vợ. Trong thâm tâm, bà Lưu như bị "sét đánh ngang tai". Bà tự nhủ: Con mình đã ra đi, không còn thuộc về mình nữa.
Sau khi kết hôn, theo yêu cầu của bà Lưu, con trai và con dâu dọn đến sống chung với mẹ. Ban đầu, bà nghĩ như vậy thì mình vẫn được sống gần con trai. Tuy nhiên, tình cảm con trai dành con dâu lại khiến bà cảm thấy khó chịu.
Thậm chí, bà đâm ra hận vì cho rằng
con trai cưới vợ xong đã quên mất mẹ. Suy nghĩ mình bị bỏ rơi khiến bà không thể chịu đựng được. Từ đó, mỗi khi con dâu không ở nhà, bà Lưu lại ngồi than khóc với con trai, lôi những chuyện vất vả ngày xưa ra kể lại và nói mình thật đáng thương khi bị con ngó lơ.
Bị mẹ liên tục gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực như vậy, con trai bà Lưu dần thay đổi thái độ với vợ vì cảm thấy mẹ rất buồn sau khi có con dâu. Chẳng bao lâu sau, anh bất ngờ đệ đơn ly hôn chỉ vì không muốn làm mẹ buồn thêm nữa.
Vợ anh vô cùng kinh ngạc. Cô không ngờ đằng sau một gia đình có vẻ hòa thuận lại là cách hành xử méo mó đến vậy. Nhìn thấy sự bất thường trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và chồng, cô lập tức đồng ý ly hôn, chỉ muốn rời xa hai mẹ con này càng sớm càng tốt.
Để làm yên lòng mẹ, sau khi ly hôn, người con trai đã quyết định ở bên bà mà không lấy vợ nữa. Bà Lưu cuối cùng đã đạt được mục đích chiếm hữu con trai cho riêng mình.
Sự việc vô cùng phi lý trên đã bị hàng xóm đồn thổi, bàn ra tán vào. Sự phụ thuộc của bà Lưu vào con trai không quá khó hiểu, tuy nhiên, mức độ thái quá của nó khiến những người xung quanh cảm thấy có phần kỳ dị.
Cha mẹ không thể đồng hành cùng con suốt đời. Con cái dù thế nào cũng cần phải trưởng thành, lập gia đình, sinh con và có cuộc sống riêng. Người con trai khi đã trưởng thành cần phải có chủ kiến của mình, không thể dễ dàng lung lay trước những tác động bên ngoài.
Mama's boy hay "con trai cưng của mẹ" là cụm từ dùng để miêu tả những người đàn ông gắn bó phụ thuộc quá mức vào người mẹ của mình, ở độ tuổi mà lẽ ra anh ta nên sống, suy nghĩ và hành động một cách độc lập.
3 dấu hiệu thường thấy của một "mama's boy" đích thực:
- Việc gì cũng hỏi mẹ, không tự tin để tự đưa ra quyết định trong cuộc sống.
- "Mẹ cũng chỉ muốn tốt cho vợ chồng mình thôi mà" - câu cửa miệng của các "mama's boy" nếu mẹ và vợ không may có mâu thuẫn.
- Nghe lời mẹ răm rắp, tiếng nói của vợ gần như vô giá trị.
Đương nhiên, chẳng người phụ nữ nào lại mong chồng mình là một "mama's boy" chính hiệu. Nhiều khi phải lấy nhau về rồi, trải qua cảnh sống chung với mẹ chồng rồi mới ngỡ ngàng nhận ra chồng mình là kiểu đàn ông "con cưng của mẹ".
Trong tình cảnh ấy, đây là 3 điều phụ nữ nên làm:
1. Không cạnh tranh
Bạn không cần cạnh tranh với mẹ chồng. Nếu chồng so sánh bạn với mẹ, đó là lỗi của anh ta. Điều bạn cần làm là vạch ra những ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ vợ chồng và mối quan hệ mẹ - con trai, mẹ - con dâu.
Hãy để chồng bạn hiểu rằng bạn và mẹ chồng có những vai trò khác nhau trong cuộc đời anh ấy. Không ai trong hai người có thể thay thế lẫn nhau.
2. Không kéo chồng vào những bất đồng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu
Lời khuyên này có thể sẽ không đúng nếu chồng bạn là một người đàn ông trưởng thành, có chính kiến. Nhưng nó lại hoàn toàn hữu ích trong trường hợp chồng bạn là một "mama's boy". Kéo "con cưng của mẹ" vào những cuộc tranh luận với mẹ, hẳn nhiên bạn đã tặng cho mẹ một đồng minh rồi đấy.
Thế nên, hãy yêu cầu chồng không can thiệp, không tham gia và giữ thái độ trung lập với những bất đồng giữa bạn và mẹ chồng.
3. Nếu không thể cố, hãy từ bỏ
"Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời". Nếu bạn đã cố gắng, đã "lạt mềm buộc chặt" mà mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn không chuyển biến tích cực, hoặc những nỗi tủi hờn trong đời sống hôn nhân vẫn không vơi bớt, có lẽ đã đến lúc nên kết thúc.
Mẹ chồng có thể không có ý xấu nhưng quan trọng là người đàn ông bạn chọn làm chồng mãi không chịu ra khỏi sự chở che của mẹ thì sao có thể gánh vác cả 1 gia đình?!
Phụ nữ xứng đáng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc bên một người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh và trưởng thành.
Theo Bách Hợp/Gia Đình Xã Hội