Tôi vốn có một gia đình hạnh phúc dù chẳng giàu sang. Nhưng mọi thứ gần như tan biến sau khi chồng qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Một mình gồng gánh gia đình nuôi hai đứa con, dù vất vả nhưng tôi luôn cố gắng lo cho con ăn học đủ đầy. Thế nhưng con trai lớn rất hiếu thảo, nó đã bỏ ngang cơ hội vào đại học để đi làm phụ giúp mẹ, lo cho em trai vào đại học.
Sau vài năm làm việc chân tay, thấy lương không cao nên con trai cả của tôi vừa đi làm vừa đi học nghề để kiếm được nhiều tiền hơn. Con chọn nghề sửa chữa ô tô.
Nhờ thông minh lại siêng năng, ham học hỏi cộng với sự chỉ dẫn tận tình của thầy giáo mà nó tiến bộ nhanh lắm. Khoảng 2 năm đã thạo nghề và kiếm được việc làm tốt rồi. Sau đó, con yêu con gái của ông chủ tiệm sửa chữa ô tô.
Ngày đó tôi đã khuyên con chia tay vì gia đình nhà họ rất giàu, nhà tôi lại nghèo. Lấy vợ có gia cảnh chênh lệch quá nhiều sau này sợ sẽ phải chịu nhiều tủi nhục nhưng con trai nhất quyết không nghe.
Cũng may, nhà bên ấy không hề để tâm tới hoàn cảnh nhà tôi, nói rằng quý con trai tôi vì sự thật thà, chăm chỉ và khiêm tốn. Còn về phía bạn gái của con trai, tuy cô bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng tính tình được lắm, không hề kiêu ngạo hay ra vẻ như những cô nàng tiểu thư đỏng đảnh khác nên tôi ưng lắm.
Tôi ưng bạn gái của con trai lắm, vì con bé hiền lành, sinh ra trong gia đình giàu có nhưng không hề kiêu ngạo. (Ảnh minh họa)
Đám cưới nhanh chóng được xúc tiến. Biết hoàn cảnh nhà tôi, nhà thông gia không đòi hỏi thách cưới gì cả, chỉ có một yêu cầu duy nhất là con trai tôi phải ở rể vì ông bà đằng ấy chỉ có mỗi một mụn con. Về chuyện này tôi không phản đối.
Mặc dù con trai tôi đi ở rể nhưng ông bà thông gia đối xử rất tốt với thằng bé. Mỗi lần tôi đến thăm, ông bà đều khen con tôi hết lời, còn nói rằng con rể cũng là con trai. Tôi nghe mà vừa mát lòng mát dạ, tự hào về con trai vừa cảm thấy ấm lòng, yên tâm.
Con dâu cũng rất hiếu thảo với tôi. Nửa năm sau khi cưới, con dâu mang thai rồi sinh con gái đầu lòng. Vốn dĩ bà thông gia sẽ chăm sóc con gái ở cữ vì con bé đang ở với ông bà mà, tôi lên ở cùng để chăm con dâu, chăm cháu cũng không tiện.
Nhưng không ngờ bà thông gia lại đổ bệnh, không thể chăm con gái được nên tôi đành tới chăm sóc con dâu và cháu nội một thời gian. Thực ra ban đầu tôi cũng đắn đo, lo lắng lắm, vì tới ở cùng ông bà thông gia cũng phức tạp mà. Nhưng vợ chồng con và ông bà thông gia đều có lời nhờ nên tôi đành tới đó ở.
Khác với những gì tôi nghĩ, ông bà thông gia đối đãi với tôi rất lịch sự. Ông bà cũng chu đáo thuê thêm một giúp việc để tôi chỉ cần tập trung chăm sóc con dâu, cháu nội là được.
Khi con dâu sinh con, tôi đã tới ở nhà ông bà thông gia để chăm con dâu, cháu nội. (Ảnh minh họa)
Hơn một tháng qua, mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ, không có xích mích gì to tát xảy ra cả. Tuy nhiên, dạo gần đây trái gió trở trời nên bệnh thấp khớp của tôi lại tái phát, chân thường xuyên đau nhức, có những đêm nằm mãi không ngủ được vì đau.
Tuần trước, tôi về quê mấy hôm vì nhà có chút việc cần giải quyết, đến trưa chủ nhật mới lên lại. Lúc tới nơi thì đúng lúc cả nhà đang ngủ nữa, thấy vậy tôi không làm phiền mọi người nữa mà nhẹ nhàng quay về phòng ngủ của mình.
Khi mở tủ ra cất đồ thì mắt tôi đỏ hoe khi thấy một chiếc máy massage chân cất đặt ngay ngắn trong tủ. Trên đó còn dán thêm mảnh giấy nhớ với nội dung:
- Mấy hôm trước con thấy mẹ bị đau chân, thi thoảng lại lấy tay đấm bóp vài cái nên con mua tặng mẹ chiếc máy massage chân này. Mẹ đã vất vả vì chúng con nhiều rồi, con mong mẹ nhận lấy món quà này. Con gái của mẹ.
Đọc dòng chữ này mà nước mắt tôi không tự chủ được mà rơi xuống. Đợi hai con ngủ dậy, tôi liền hỏi hai con về chiếc máy massage, bởi tôi hơi ngại ông bà thông gia. Nào ngờ, con dâu lại đáp:
- Mẹ à, mẹ không phải ngại đâu. Bố mẹ con luôn nhắc con phải hiếu thảo với mẹ, coi mẹ như mẹ ruột nên mẹ không phải áy náy đâu ạ. Chỉ cần mẹ khỏe mạnh, vui vẻ là chúng con mừng rồi.
Tôi thật sự xúc động khi nghe con dâu nói câu đó. Con dâu tốt như vậy đốt đèn đi đâu mà tìm cho được cơ chứ, vì vậy tôi luôn dặn dò con trai phải đối xử tốt với vợ con cũng như bố mẹ vợ.
Theo Cẩm Tú/Arttimes