Tôi đã kết hôn, sắp đón cái Tết thứ 4 ở nhà chồng. Trải qua quãng thời gian sống chung với mẹ chồng, tôi đã không còn thích Tết nữa rồi. Vì mỗi dịp như thế, tôi lại bị mẹ chồng "hành" đủ đường. Nào là mua cái nọ, sắm cái kia. Rồi đủ các loại thủ tục cúng lễ rườm rà khác.
Tết đầu tiên về nhà chồng, tôi tự mua sắm tất cả từ thực phẩm, bánh kẹo đến đồ trang trí nhà cửa nhưng đều không vừa ý mẹ chồng. Kết quả, tôi phải trải qua một cái Tết ngột ngạt tột độ vì động đến cái gì, mẹ chồng cũng "mặt nặng mày nhẹ" không hài lòng.
Năm thứ 2 rút kinh nghiệm, tôi đưa tiền cho mẹ chồng đi sắm Tết cho đúng ý bà. Dĩ nhiên là số tiền thoải mái để bà mua những thứ cơ bản. Nhưng đổi lại, mẹ chồng đi nói khắp nơi rằng tôi ỷ lại, ném cho bà vài ba đồng rồi coi như việc không liên quan đến mình.
Ảnh minh họa.
Và đến năm thứ 3, tôi quyết định tháp tùng mẹ chồng đi sắm Tết. Bà thích gì thì mua, còn tôi có nhiệm vụ trả tiền và xách đồ phía sau. Cảm giác cũng không hề dễ chịu chút nào nhưng để đổi lấy sự bình yên, tôi cũng đành chấp nhận.
Giống như năm ngoái, năm nay, tôi vẫn chủ động sắp xếp công việc để đưa mẹ chồng đi sắm Tết. Nhưng hôm vừa rồi, hành động của mẹ chồng với người phụ nữ lạ ở chợ đã khiến tôi không còn thiết tha gì Tết nữa.
Hôm ấy, đang chọn vài chậu hoa, tôi thấy mẹ chồng bỗng reo lên như một đứa trẻ: "Lan, đúng là cái Lan rồi. Con về nước khi nào thế".
Người phụ nữ ngoài 30, dẫn theo một cậu bé cũng tỏ ra mừng rỡ khi gặp mẹ chồng tôi. Hai người bọn họ nói cười rôm rả, mẹ chồng không ngớt lời khen cô ta mẹ trẻ con rồi mà ngày càng trẻ ra. Đến lúc người này quay sang tôi, mẹ chồng mới miễn cưỡng giới thiệu tôi là con dâu.
Ngay trước mặt tôi, mẹ chồng vô tư nựng đứa trẻ: "Nếu ngày ấy hai đứa đến được với nhau, có lẽ giờ bác cũng có đứa cháu nội đáng yêu như thế này".
Đến lúc ấy, tôi mới rõ người phụ nữ ấy là người yêu cũ của chồng tôi và là "con dâu hụt" của mẹ chồng.
"Ngày ấy con đi vội, không kịp đến chào bác. Con thật có lỗi với bác. Con và anh Tùng có duyên nhưng không có phận. Bác đừng buồn bác nhé".
"Dù hai đứa lỡ dở không đến được với nhau nhưng bác vẫn coi con là con dâu. Tết qua nhà chơi, hai bác cháu mình tâm sự nhiều hơn con nhé".
Vừa nói, mẹ chồng vừa tươi cười với "con dâu hụt" nhưng khi nhìn sang tôi, bà liền tắt luôn nụ cười. Hai thái độ khác biệt một trời một vực đó khiến tôi hụt hẫng vô cùng.
Tôi là con dâu được bà cưới hỏi đàng hoàng. Mấy năm qua tôi hy sinh cả công việc tốt trên thành phố để về vùng nông thôn này, đi làm công nhân cho gần chồng, rồi cơm bưng nước rót, cung phụng mẹ chồng.
Vậy mà chưa khi nào bà niềm nở với tôi được như với người phụ nữ kia. Ngay cả khi tôi thức trắng đêm chăm mẹ chồng lúc ốm đau bệnh tật, bà cũng không một chút cảm kích mà coi đó là nghĩa vụ tôi phải làm.
Trước đây tôi là một phụ nữ năng động, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, 2 lần sảy thai không kiêng cữ cẩn thận đã khiến cơ thể tôi bị suy yếu, mệt mỏi. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng cũng chưa bao giờ nấu cho tôi một bát cháo tử tế. Tất cả đều do mẹ đẻ thương con gái nên lặn lội cả trăm cây số đến chăm tôi.
Tôi đến tháng mệt mỏi không muốn ăn cơm, chồng mua phở định bưng lên phòng liền bị mẹ chồng giằng lại. Bà nhiếc móc tôi giả vờ, đau ốm què quặt gì đâu mà phải phục vụ. Bảo tôi không xuống ăn thì cho nhịn.
Lần tôi bị ngất ở chỗ làm, đồng nghiệp nam đưa tôi về nhà. Mẹ chồng đi chợ về không hiểu rõ đầu đuôi đã quy chụp nói tôi dẫn trai về hú hí. Thế là không một lời cảm ơn, bà bóng gió đuổi thẳng đồng nghiệp của tôi khiến tôi không còn mặt mũi nào để đến gặp cậu ấy được nữa.
Cũng vì chuyện này, bà thêm mắm dặm muối khiến vợ chồng tôi lục đục cả tuần liền. Chưa kể, lúc nào mẹ chồng cũng xúi con trai bỏ vợ vì lo tôi không thể tiếp tục sinh nở khiến nhà bà "mất giống".
Những dồn nén trong lòng trên cộng với việc chứng kiến thái độ của mẹ chồng với người yêu cũ của chồng khiến tôi uất ức vô cùng. Sau Tết này, tôi rất muốn ra ngoài ở riêng để không phải chịu cảnh ấm ức như thế. Nhưng tôi sợ mẹ chồng sẽ không đồng ý. Liệu có cách nào khiến mẹ chồng tự nguyện cho chúng tôi ra ở riêng hay không? Xin hãy mách tôi với.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Trang/ Sức khỏe Đời sống