“Đắt xắt ra miếng”?
Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, loại táo này được rất nhiều người săn lùng vì vị ngọt, lạ cũng như lời quảng cáo “thần dược” từ người bán. Người bán quảng cáo, hồng táo được hái tận vườn, không có chất bảo quản nên không để được lâu ngày và phải bảo quản trong tủ lạnh.
Chị Nguyễn Thu Hương (Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho hay, lúc đầu thấy người bán quảng cáo là táo Tây An (Trung Quốc) nên chị cũng ngần ngại, không dám mua. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy nhiều bạn bè nói chuyện với nhau, đây là loại táo Tàu trong vị thuốc Bắc nên chị cũng mua về tẩm bổ. “Lúc đầu, loại táo này rất đắt, được bán với giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/kg nên mỗi lần, mình cũng chỉ dám mua 1-2kg mà phải đặt trước thì mới có hàng. Hiện nay, có lẽ vì nhiều người bán hơn nên giá loại táo này đã giảm, chỉ còn một nửa giá của thời kỳ mới xuất hiện trên thị trường”, chị Hương chia sẻ.
|
PV báo ĐS&PL mua “thần dược” hồng táo với giá 100 nghìn đồng/kg. |
Cũng theo tìm hiểu của PV, trái với tâm lý lo ngại, tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều bà nội trợ vẫn tỏ ra hào hứng với loại quả này, dù không biết rõ nguồn gốc, cách bảo quản có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Đỗ Thị Thủy, ở Mai Dịch, Hà Nội có tiền sử đau đầu, suy nhược thần kinh từ nhiều năm nay. Thấy nhiều người rộ lên mua loại quả này ăn vừa ngon vừa chữa được bệnh nên chị cũng mua về dùng thử. Chị Thủy bày tỏ: “Loại táo này có vị ngọt thanh, giòn, cả nhà mình đều thích. Thấy người bán nói có thể chữa bệnh, đặc biệt là giúp an thần tốt nên mình mua về để ăn hàng ngày. Lạ là táo này không thấy bán phổ biến ngoài chợ mà chủ yếu bán trên các shoponline. Gần như ngày nào cũng có hàng, giá 120 nghìn đồng/kg”.
Vì tin vào công dụng “thần dược” mà người bán quảng cáo, không ít người dù mắc bệnh nan y, ung thư cũng mua hồng táo về sử dụng. Thậm chí, có trường hợp ăn cả 1kg táo/ngày với hy vọng đẩy lùi tế bào ung thư.
Để tìm hiểu về loại “thần dược” hồng táo này, PV báo ĐS&PL đã đến một shop chuyên bán hàng online ở Cầu Giấy, Hà Nội. Chị Anh, chủ shop quảng cáo: “Hồng táo (táo Tây An) nhà mình hái tận vườn, đảm bảo không có hóa chất. Hàng về tới Hà Nội vẫn còn xanh cuống. Bên mình nhận ship từ 1kg và không thu phí vận chuyển trong nội thành. Vì đang vào mùa nên giá táo giờ chỉ còn 100 nghìn đồng/kg”. Chúng tôi hỏi mua 1kg về dùng thử và nói rằng sẽ lấy số lượng lớn trong thời gian tới.
Sáng 9/10, chủ shop gọi điện cho PV thông báo: “Hôm nay bên mình về 2 chuyến 6 và 10 thùng là 160kg táo mà vẫn hết veo? Táo này rất tốt cho sức khoẻ, bổ máu, ngủ ngon ăn tốt, hồng hào da dẻ, nhất là chị em phụ nữ, nếu có điều kiện nên ăn 1 ngày từ 10-15 quả. Thay vì uống cốc trà sữa, mình ăn táo vừa lành mạnh vừa bổ dưỡng”.
Theo lời chị Anh, hồng táo là loại quả thường có trong vị thuốc Bắc, khi chín có màu thâm xỉn như bị hỏng nhưng ăn lại rất ngọt và giòn. Táo càng thâm xỉn càng tốt (?).
Khi PV tỏ vẻ lo ngại về vấn đề táo có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, chị Anh khẳng định như “đinh đóng cột”: “Táo nội địa Trung Quốc, mình đến tận vườn ở Tây An hái nên hàng đảm bảo chất lượng, không có thuốc trừ sâu hay chất bảo quản nên rất dễ hỏng. Mình bán táo lâu rồi và khách nhà mình chưa ai phản hồi là táo có vấn đề gì cả”.
Cẩn thận với cách chữa bệnh theo lời đồn
Trước xu hướng người tiêu dùng săn lùng hồng táo về chữa bệnh, PV báo ĐS&PL đã tìm đến các bác sĩ Đông y để tìm câu trả lời về thực hư công dụng loại quả này có đúng là “thần dược” như quảng cáo.
Trao đổi với PV, lương y đa khoa Dương Văn Phong- Chủ tịch hội Đông y Thanh Trì, Hà Nội phân tích: “Hồng táo được dùng trong các bài thuốc Bắc phần lớn được nhập từ Trung Quốc. Theo tôi được biết, tại Trung Quốc, hồng táo được trồng nhiều nhất ở Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến, Tứ Xuyên... Hồng táo vị ngọt, tính ôn chứa chất béo, hydrat, kali, sắt, vitamin C..., có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vi sinh tân dịch, an thần, bổ gan, hòa giải các vị thuốc khác”.
“Chính nhờ có nhiều công dụng nên trong hầu hết các đơn thuốc Đông y đều có quả này. Hồng táo được dùng hỗ trợ, bồi bổ cơ thể nhưng không phải là thứ quá quý hiếm hay là thần dược như đồn thổi”, ông Phong khẳng định.
Theo lương y đa khoa Dương Văn Phong, trong hầu hết các đơn thuốc bổ tỳ vị, nhuận phế, chữa ho, hòa khí huyết, người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, thầy thuốc thường kê mỗi ngày cho uống từ 5 - 10 quả. Tuy nhiên, ông Phong khuyến cáo, không phải ai cũng có thể dùng hồng táo. Đặc biệt, những người bị đau răng, đờm nhiệt, đầy bụng không nên dùng loại quả này. Phụ nữ mang thai hoặc đang cố gắng thụ thai, người bị đái tháo đường hay đang uống bất cứ loại thuốc trị bệnh nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
“Hồng táo thường được sấy khô làm nguyên liệu trong các vị thuốc Bắc bởi khi chín, ở dạng tươi thì rất khó bảo quản, hay giập nát. Nếu táo mua về để lâu ngày không hỏng thì người tiêu dùng nên đặt dấu hỏi về việc có sử dụng chất bảo quản”, ông Phong nói.
Liên quan đến thông tin nhiều người săn lùng loại quả này như một "thần dược" chữa bách bệnh trong đó có ung thư, lương y đa khoa Dương Văn Phong khẳng định: “Tôi chưa từng tiếp cận tài liệu nào ghi nhận hồng táo có tác dụng chữa ung thư. Chữa bệnh ung thư theo truyền miệng, bằng các vị thuốc không rõ nguồn gốc sẽ khiến bệnh ngày một trầm trọng hơn. Điển hình, vừa rồi có bệnh nhi 4 tuổi (ở Hải Dương) rơi vào tình cảnh nguy kịch vì bố mẹ tin vào lời quảng cáo của thầy lang băm mà không cho con điều trị theo chỉ định của bác sĩ”.
Trao đổi với PV, TS.Nguyễn Duy Thịnh- viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua loại táo này bởi hiện cũng chưa có gì để đảm bảo đây là loại quả sạch, an toàn. Loại quả này chủ yếu được rao bán trên mạng, lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cách thức bảo quản. Người mua chỉ biết tin vào lời cam đoan của người bán màthôi. Điều đó là vô cùng nguy hiểm”.
“Sốt” vì tâm lý đám đông
Lý giải về việc vì sao người tiêu dùng Việt có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng lại rất “chuộng” loại táo trên, TS.Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đó là tâm lý đám đông. Hơn nữa, có bệnh thì vái tứ phương, chỉ cần ai mách về một vị thuốc nào là người dân cũng muốn dùng thử. Hiện trên thực tế có những sản phẩm được quảng cáo mang tính thổi phồng như “thần dược” nhưng lại các khiến người dùng tin tưởng, tìm mua.
Theo N. GIANG - M. HẰNG/ĐSPL