“Ngó lơ” tình trạng ho suốt nhiều tháng, bất ngờ được chẩn đoán mắc... lao phổi
Theo thông tin Bệnh viện Đa khoa Medlatec, suốt nhiều tháng nay, chị D.T.T. (28 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng ho kéo dài. Cơn ho được mô tả thành từng cơn, kèm theo có đờm và tình trạng buồn nôn. Chấp nhận “sống chung” cùng những cơn ho suốt nhiều tháng, chỉ khi thấy tình trạng không thuyên giảm, chị T. mới quyết định tới bệnh viện thăm khám.
Tại đây, bác sĩ tiến hành khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng và chỉ định các kỹ thuật cần thiết phục vụ quá trình chẩn đoán.
Qua thăm khám phát hiện bất thường ở đáy phổi bên phải bao gồm rung thanh tăng, rale ẩm đáy phổi phải. Ngoài ra chị T. còn có bệnh lý trào ngược dạ dày và viêm dạ dày kèm theo, bác sĩ xác định đây là một trong những yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng ho kéo dài.
|
Ảnh minh họa. |
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp phát hiện hình ảnh tổn thương đông đặc, nốt đặc thùy dưới phổi phải, nốt đặc nhỏ thùy dưới phổi trái. Kết quả này cho thấy chị T. có hình ảnh viêm phổi chưa loại trừ tổn thương lao phổi cần phải làm xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn thông thường và vi khuẩn lao.
Tiếp tục thực hiện xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm Ziehl-Neelsen nhằm xác định vi khuẩn gây lao cho kết quả dương tính. Chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc lao phổi và chuyển chuyên khoa Hô hấp điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến mắc lao phổi
Theo BSCKI. Phạm Sơn Tùng - Chuyên khoa Hô hấp, thời gian qua đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi đến thăm khám và phát hiện mắc lao phổi.
Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được bác sĩ chỉ ra bao gồm:
Môi trường làm việc không đảm bảo thông thoáng (tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp) là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan.
Lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống rượu bia…) làm sức khỏe giảm sút, khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh.
Tình trạng phát tán vi khuẩn trong cộng đồng, cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây lan sang 5-10 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, nhà máy, trại tập trung…
Đáng báo động, bệnh lao diễn biến âm thầm, nhiều người cho rằng căn bệnh này không liên quan đến mình nên chủ quan không phòng tránh, tới khi có triệu chứng nặng đến viện thì bệnh ở giai đoạn muộn.
Ngăn ngừa mối đe dọa của bệnh lý lao
Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Lao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm.
Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, đẩy lùi dịch bệnh lao giúp giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
Theo BSCKI. Phạm Sơn Tùng, triệu chứng lâm sàng thường gặp của lao phổi thường bao gồm:
Ho kéo dài hơn 2 tuần cho đến vài tháng. Có thể ho khan, hoặc ho kèm theo đờm, ra máu.
Sốt nhẹ, cảm thấy ớn lạnh về chiều tối.
Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.
Cơ thể mệt mỏi, đau khớp, cảm giác không có sức.
Đau tức ngực, thỉnh thoảng cảm thấy khó thở.
Chán ăn, cơ thể suy nhược và sụt cân.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, người bệnh cần lập tức đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Việc phát hiện ở giai đoạn sớm có thể giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đồng thời hạn chế nguy cơ lây lan sang những người xung quanh.
Giang Thu