BS Phạm Đức Minh - Trưởng Bộ môn dinh dưỡng Bệnh viện 103, Học Viện Quân Y đã chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo khoa học "Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng" do Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 5.12.
Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi 24,9%, gầy còm 6,8% và thừa cân béo phì 4.8%.
|
Ảnh minh họa. |
Đánh giá về tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng hiện nay, BS Minh cho rằng: "Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, mặc dù nền kinh tế đang phát triển, những thống kê gần đây cũng không cho thấy sự tương thích giữa tỉ lệ suy dinh dưỡng với thu nhập. Như vậy, vấn đề nằm ở kiến thức. Khi chúng ta có điều kiện kinh tế nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể chuẩn bị được một bữa ăn cân đối và đầy đủ cho trẻ em và những người trong gia đình".
Theo BS Minh, trong bất kỳ điều kiện kinh tế nào, chúng ta cũng có thể tìm được những thực phẩm tốt, phù hợp với đứa bé của mình. "Bố mẹ hãy thủ thỉ những câu khuyên con, hàng ngày hàng giờ, mỗi khi bắt đầu con ăn, giúp con hiểu rằng đồ ăn nhanh là thứ hấp thụ cực kỳ nhanh và không đợi chờ để đường tiêu hóa của con phân tách ra thành những gói khác nhau để vào cơ thể. Hậu quả là thức ăn hấp thu vào đúng phần mỡ của người đó mà thôi".
BS Minh cũng cho rằng nên ưu tiên giai đoạn mà trẻ đang phát triển, đặc biệt là học mẫu giáo, đó là thời kỳ lý tưởng để đưa con đi kiểm tra dinh dưỡng. "Đó là thời kỳ chúng ta can thiệp được nhiều hơn, vì càng lớn con càng không thuộc về mình nữa, trẻ rời mình ra, có môi trường riêng, suy nghĩ riêng. Chúng ta cần trang bị kiến thức nền đủ tốt từ lúc trẻ 2 tuổi tự ăn được đến khi 5- 6 tuổi, tôi có thể khẳng định, kiến thức đó tồn tại rất bền với đứa bé đó".
"Ở nhà, tôi vẫn để rất nhiều các loại hạt, các con tôi nhai hàng ngày. Và chúng nhạy cảm đến mức độ là những gì có chữ quá nhiều thì hết sức cẩn thận vì phải đọc kỹ, những đồ quá ngọt hoặc đồ sẵn là chúng không ăn. Ở lớp, khi phát hiện ra đồ ăn mà trẻ phát hiện ra nhiều chữ thì trẻ sẽ từ chối, sẽ quay về lấy đúng thực phẩm mà bố mẹ cho. Trẻ con nên nhìn thấy và biết những thực phẩm nào là tốt, nên chọn loại còn nguyên hình, củ quả như củ khoai, sắn, các loại hạt còn tốt hơn rất nhiều những thứ cho vào chai đóng sẵn"- BS chia sẻ.
Theo Thùy Linh/Lao Động