Công nghệ transhumanism (cải lão hoàn đồng) đã được biết đến là nhằm mục đích nhanh chóng nâng cao trí tuệ và sinh lý cho con người thông qua các công nghệ tối tân để con người có thể sống lâu hơn.
Những người tôn thờ và ủng hộ transhumanism bao gồm nhiều người nổi tiếng như người đồng sáng lập PayPal Peter Thiel, tỷ phú Elon Musk và kỹ sư hàng đầu của Google Ray Kurzweil. Họ ngày càng tin rằng, công nghệ tiên tiến sẽ giúp khuất phục những hạn chế cơ bản của con người, chẳng hạn sự lão hóa.
|
Chân dung Tiến sĩ Aubrey de Gray, người tin rằng con người có thể sống thọ nghìn năm. |
Theo Daily Star, Tiến sĩ Aubrey de Gray, người chuyên nghiên cứu về các khía cạnh tâm lý, nhận thức và sinh học của quá trình lão hóa nhận định, cơ hội sống đến 1.000 tuổi của con người hiện là hơn 50/50.
"Nó phụ thuộc rất nhiều vào mức quỹ tài trợ", ông Gray nói. Vị tiến sĩ so sánh quá trình lão hóa giống như 1 chiếc xe hơi bị xuống cấp sau khoảng thời gian sử dụng. Cách tốt nhất để ngăn chặn điều này là sửa chữa những hỏng hóc khi cần thiết bằng các công cụ khoa học chính xác, vị tiến sĩ nhấn mạnh.
Theo ông, tin xấu là việc tiến hành nghiên cứu đột phá này sẽ mất một thời gian dài và tiêu tốn một khoản tiền kếch xù.
Ngoài ra, niềm tin cho rằng, đã là con người thì không thể tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử cũng là một rào cản để thực hiện những nghiên cứu giúp con người trường thọ.
Tuy nhiên, theo ông Gray, những điều tưởng chừng chỉ là khoa học viễn tưởng nay đã trở thành thực tế thông qua các cuộc cách mạng công nghệ với việc tìm ra iPS (Tế bào gốc đa năng cảm ứng) và CRISPR (một công cụ chỉnh sửa gen).
Khi được hỏi về cách cải tử hoàn đồng, vị tiến sĩ nói rằng, trong những giai đoạn đầu, các kỹ thuật dùng để sửa chữa mọi thứ ở cấp độ phân tử và tế bài tại chỗ sẽ được áp dụng. Nhưng sau đó, các nhà khoa học sẽ cần thực hiện những bước đi táo bạo hơn bao gồm việc tạo ra toàn bộ 1 bộ phận cơ thể mới hoàn toàn để thay thế cho bộ phận cũ.
Theo vị tiến sĩ này, con người sẽ có quyền được lựa chọn sửa chữa các bộ phận cơ thể hay thay thế nó. Việc sửa chưa ở cấp độ vi mô được kỳ vọng sẽ không cần phẫu thuật mà chỉ cần tiêm đúng loại tế bào gốc hoặc đại loại một chất nào đó cần thiết vào cơ thể.
Theo Phương Đăng/Dân Việt