The Indian Express đưa tin, vào kỳ thi cử, sĩ tử có cảm giác lo lắng hay căng thẳng là điều bình thường. Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi nỗi lo lắng trở nên quá mức đối với thí sinh, có thể khiến các em không đạt thành tích tốt, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Trong trường hợp nghiêm trọng, căng thẳng quá mức còn có thể dẫn đến hành động tự tử.
Tiến sĩ Mrinmay Das tại Bệnh viện Jaypee (Ấn Độ) mô tả, căng thẳng là "cách cơ thể phản ứng với bất kỳ mối đe dọa hoặc yêu cầu nào - dù là thực tế hay tưởng tượng".
|
Ảnh minh họa: Thinkstock. |
Khi một người cảm thấy căng thẳng, hệ thống thần kinh phản ứng bằng cách giải phóng một lượng lớn các hormone, bao gồm adrenaline và cortisol, thúc đẩy cơ thể hành động khẩn cấp.
Tại sao bạn gặp căng thẳng trong kỳ thi?
Một số lý do khiến bạn gặp căng thẳng trong kỳ thi như bạn cần phải học và ghi nhớ một lượng kiến thức lớn; áp lực xã hội và kỳ vọng cao của gia đình và bạn bè có thể là gánh nặng,...
Các triệu chứng khi bị căng thẳng?
- Dấu hiệu về thể chất: Nhịp tim tăng, căng cơ, đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh, dạ dày sôi sục, đau đầu, khô miệng, buồn nôn, choáng váng, mất ngủ hoặc gặp ác mộng, thay đổi cách ăn uống...
- Dấu hiệu về hành vi: Chần chừ, bồn chồn, muốn trốn thoát, tránh gặp người khác, lạm dụng chất kích thích, thậm chí tự làm tổn thương bản thân,...
- Dấu hiệu về nhận thức: Suy nghĩ tiêu cực/tự phê bình, nhầm lẫn, kém tập trung và trí nhớ, trống rỗng, khó giải quyết vấn đề,...
Đối phó với cảm giác căng thẳng trong kỳ thi thế nào?
Tiến sĩ Sandeep Vohra, bác sĩ tại bệnh viện Indraprastha Apollo, đã đưa ra một số lời khuyên cho các sĩ tử có thể giúp giảm cảm giác căng thẳng hiệu quả:
- Lập thời gian biểu ôn bài.
- Ngủ đủ giấc (6 đến 8 tiếng), đặc biệt là vào ngày trước thi.
- Chia sẻ về sự lo lắng của bản thân cũng có thể giúp giảm bớt áp lực, giải tỏa cảm xúc bị kìm nén.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp duy trì năng lượng. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và cay, thay vào đó, bạn nên chọn nước trái cây và rau xanh.
Các bậc phụ huynh nên làm gì?
- Cha mẹ có thể tạo ra môi trường giúp con không bị phân tâm hay quấy rầy.
- Tránh so sánh con mình với những người khác.
- Dành cho con những lời nói thể hiện sự yêu thương và hỗ trợ vô điều kiện để khuyến khích con.
An An