Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của phía đông Bắc Bộ, xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao đến 90% khiến hơi nước trong không khí bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt của đồ vật. Mùa nồm thường xuất hiện vào khoảng tháng 2 - 4 (gần cuối mùa xuân) và khá phổ biến ở khu vực miền Bắc Việt Nam.
Mỗi đợt nồm ẩm kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần trời, mức độ nồm cao hay thấp phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt và nhiệt độ không khí.
Biểu hiệu dễ thấy nhất khi mùa nồm xuất hiện là trên sàn nhà, tường, gương đều trở nên ẩm ướt, quần áo phơi lâu khô, chăn nệm ướt và luôn có mùi hôi khó chịu, đồ điện tử dễ bị hỏng, thực phẩm nhanh bị nấm mốc.
 |
Nồm ẩm ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe - Ảnh minh họa |
Đặc biệt, nồm ẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe:
Thời tiết trời nồm sẽ khiến sàn nhà đọng nước rất dễ gây té ngã và dẫn đến chấn thương đối với người già và trẻ em.
Trời nồm sẽ làm cho lỗ chân lông bị bí, làm cho quá trình bài tiết của cơ thể không còn hiệu quả. Điều này sẽ gây khó chịu cho cơ thể, dẫn đến mệt mỏi và đau nhức.
Độ ẩm cao còn trực tiếp ảnh hưởng đến các niêm mạc của phế quản, làm bùng phát các bệnh về đường hô hấp mãn tính như viêm phổi hay hen phế quản.
Vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, nảy nở còn dẫn đến các bệnh ngoài da như thủy đậu hay ban đỏ.
Thời tiết này cũng khiến chị em phụ nữ rất khó chịu với các bệnh phụ khoa.
Để đối phó với nồm ẩm hãy thực hiện:
Luôn đóng kín cửa
Trong tiết trời nồm, sàn nhà ướp nhẹp cộng thêm không khí bí bách khiến nhiều người có xu hướng mở cửa sổ, cửa chính để đón gió nhằm giúp nhà thoáng hơn và mong gió sẽ làm khô sàn. Nhưng đây lại là một sai lầm tai hại, những cơn gió mang độ ẩm cao thổi vào nhà chỉ khiến nơi ở của bạn thêm ẩm ướt.
Tốt nhất nên hạn chế mở cửa, bật điều hòa và cũng đừng bật quạt để giữ cho ngôi nhà được khô ráo hơn.
Lau nhà bằng giẻ khô
Để đối mặt với nồm ẩm, nhiều bà nội trợ không ngại lau dọn thường xuyên để nhà khô sạch. Nhưng dù bạn có lau bằng nước nóng, ngôi nhà cũng khó mà bớt ẩm ướt. Cách tốt nhất lúc này là hãy dùng giẻ khô, sạch để lau nước trên nền nhà.
Bật điều hòa chế độ khô
Bố trí quạt thông gió phòng bếp và phòng tắm để không khí được thông thoáng. Giảm độ ẩm trong nhà bằng máy hút ẩm, điều hòa: Độ ẩm lý tưởng khoảng 40 - 60%.
Sử dụng các vật liệu hút ẩm
Sử dụng máy hút ẩm giúp cho ngôi nhà của bạn được khô thoáng, sạch sẽ. Nếu không có điều kiện mua máy, bạn cũng có thể để một chậu than củi nhỏ trong phòng, dưới gầm ghế... để hỗ trợ hút ẩm trong nhà.
Sử dụng tinh dầu thơm
Để tránh mùi hôi do trời nồm, bạn có thể sử dụng tinh dầu thơm để ở góc nhà. Nên dùng các mùi nhẹ như lavaneder, chanh để ngôi nhà có mùi thơm dễ chịu nhất.
 |
Tăng sức đề kháng bằng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe trời nồm ẩm - Ảnh minh họa |
Trồng cây có tính hút ẩm
Trồng các loại cây có tính hút ẩm tốt trong nhà như cây lan ý, cây nguyệt quế, cây chanh vàng, cây lá bỏng, cây lưỡi hổ, cây bàng cảnh… cũng được xem là một giải pháp vừa thân thiện với môi trường vừa giúp thanh lọc không gian, điều hòa không khí và mang lại không gian thoáng đãng cho căn nhà.
Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân
Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là ủi đồ trước khi mặc để tránh nấm mốc và các bệnh ngoài da.
Chế độ ăn và tập luyện
Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)
BS Nguyễn Xuân Tuấn/ VietnamDaily