Các chuyên gia cho biết, việc theo dõi chỉ sô SpO2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với con người. Đây là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, nhịp thở và huyết áp.
Đối với bất cứ F0 nào, việc chú ý chỉ số SpO2 cũng là điều bắ buộc. Việc đo SpO2 giúp sớm phát hiện ra tình trạng thiếu hụt oxy trong máu nhằm cấp cứu kịp thời các trường hợp bệnh nhân trở nặng trước khi có dấu hiệu lâm sàng như tím tái.
Đã ghi nhận nhiều F0 triệu chứng nhẹ, tuy nhiên không chú ý tới chỉ số SpO2, dẫn tới tình trạng thiếu hụt oxy âm thầm. Khi quỵ thì rất nguy hiểm tới tính mạng.
Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh - Phòng khám Gia đình TP HCM cho biết, kể cả khi không thuộc nhóm có nguy cơ trở nặng vì Covid-19 thì các F0 điều trị tại nhà vẫn nên thực hiện theo dõi SpO2 liên tục trong vòng từ 7-10 ngày.
Theo Bộ Y tế, nếu chỉ số SpO2 dưới 95% thì các F0 cần liên hệ với cơ sở Y tế để được nhập viện điều trị. Tuy nhiên, với bệnh nhân có bệnh lý như thuyên tắc phổi mãn tính (COPD) thì chỉ số SpO2 nền của họ luôn thấp (SpO2 khoảng 93% kể cả khi khỏe mạnh). Vì vậy, bác sĩ Thịnh đặc biệt khuyến cáo, khi chỉ số SpO2 từ 93% trở xuống hoặc giảm 3% so với SpO2 nền thì người bệnh bắt buộc phải tới bệnh viện để điều trị.
Trong trường hợp bất khả kháng và bệnh nhân bị sụt SpO2 nhưng chưa thể nhập viện điều trị thì gia đình cũng cần liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà từ xa trong lúc chờ được sắp xếp nhập viện.
Theo Thạch Thảo/Khoevadep