Kiến thức cơ bản về bệnh thủy đậu
Thời điểm mùa xuân và đầu hè là lúc bệnh thủy đậu lây lan mạnh nhất nước ta. Nhiều người cho rằng thủy đậu là bệnh đơn giản, dễ chữa trị và chỉ cần kiêng khem là khỏi. Tuy nhiên, thực tế căn bệnh này còn nhiều điều mà bạn chưa biết tới.
PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: "Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, có thể phòng tránh. Tuy nhiên, cũng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không chữa trị đúng cách".
|
Bàn tay một bệnh nhân lớn tuổi bị thủy đậu. Ảnh: Y tế dự phòng. |
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây nên. Bạn có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc dịch tiết mũi họng, nước bọt, nước từ vết mụn. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác.
Thời điểm bệnh lây nhiều nhất là khoảng ngày thứ 5 sau khi phát bệnh. Ngay cả khi những nốt thủy đậu bong vảy thì vi rút gây bệnh vẫn có thể truyền bệnh cho người khác sau vài ngày.
Khi bị thủy đậu, ban đầu bạn thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Khi phát bệnh, trên da bạn bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ và mụn bọng nước bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày nếu không có biến chứng cũng như không để lại sẹo.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu kể cả trẻ em và người lớn. Trẻ em từ 2-15 tuổi và người lớn từ 20-25 tuổi là những người bị mắc thủy đậu nhiều hơn hẳn.
Những biến chứng thường gặp
Biến chứng bệnh thủy đậu thường không xảy ra nhiều, tuy nhiên nguy cơ cũng rất lớn. Bệnh thường có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng.
|
Bàn chân một bệnh nhi ở Phú Thọ bị biến chứng thủy đậu nặng do tắm lá nam thay vì chữa trị đúng cách mới đây. Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương. |
Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bạn bị bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng máu. Nặng hơn cả là biến chứng dẫn tới viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... thậm chí là đe dọa tính mạng.
Loạt quan niệm sai lầm và cách phòng chống, chữa trị bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu hoàn toàn có thể phòng chống được bằng cách tiêm vắc xin phòng thủy đậu. Với trẻ em, bé sẽ phải tiêm 2 mũi vắc xin mỗi mũi cách nhau ít nhất 3 tháng để phòng bệnh. Phụ nữ mang thai cũng nên tiêm phòng thủy đậu nếu trước đó chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng ít nhất 1 tháng.
Chia sẻ với Kiến Thức, BS.Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết: "Hiện nay, các bậc cha mẹ Việt đang có rất nhiều sai lầm trong việc chăm sóc chữa trị bệnh thủy đậu khiến bệnh trở nên trầm trọng và biến chứng nhiều hơn."
Cụ thể, nhiều người cho rằng dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, hay nghe mách tắm nước lá sẽ giúp chữa thủy đậu tốt hơn. Những thực tế, cách làm này còn khiến cho tình trạng bệnh của trẻ biến chứng nặng hơn, dễ làm trẻ bị nhiễm trùng thậm chí ngộ độc.
Ngoài ra, việc kiêng nước, kiêng gió, kiêng tắm khi bị thủy đậu nhất là vào mùa hè chính là sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải sẽ càng làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Cơ thể người bệnh sẽ ngứa ngáy, mụn lan nhiều hơn, da dễ bội nhiễm vì không được vệ sinh đúng cách và nguy cơ biến chứng càng cao.
Thu Minh