Tôi lấy chồng năm 18 tuổi. Thuở đó, tôi là cô gái đẹp nhất vùng, ai cũng trầm trồ vì vẻ mơn mởn và xinh tươi ấy. Ở quê, không có điều kiện tiếp xúc nhiều, nên tôi chẳng kịp yêu ai, mà nhanh chóng đồng ý lấy người đàn ông hơn tôi một con giáp vì sự giàu có của anh ấy.
Tôi tự nguyện lấy anh ấy chứ không vì bất cứ sự ép buộc nào của gia đình. Tôi không biết tình yêu là gì, chỉ nghĩ rằng lấy một người đàn ông giàu sẽ có cuộc sống sung sướng. Tuổi thơ tôi đã lớn lên với sự đói khổ và những lời mắng chửi của ba dượng, vì thế thoát khỏi cảnh sống nghèo khó với tôi vậy là đủ.
|
Năm 18 tuổi, tôi lấy người chồng giàu có trong làng. Ảnh minh họa |
Lấy anh, cuộc sống của tôi như lên tiên. Từ một đứa nghèo khổ, suốt ngày phải ăn cơm độn, làm việc quần quật, giờ tôi được ăn trắng, mặc trơn, nhà lúc nào cũng có những đồ ăn ngon lành mà cả xóm phải ngưỡng mộ. Chưa kể, tôi còn có thể giúp đỡ gia đình và 2 đứa em ăn học. Dẫu đời sống hôn nhân không có tình yêu, cũng chẳng thi vị gì, nhưng với những người phụ nữ ở quê như tôi thì những cái đó chẳng cần thiết. Tôi có tiền, được ăn ngon mặc đẹp, vậy là hạnh phúc rồi. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình.
Tôi sinh liền 2 đứa con trai. Chồng tôi còn muốn tôi sinh tiếp, nhưng sau vài lần bị sảy thai, tôi dừng lại chuyện sinh nở. Chồng tôi làm việc ở một công ty nhà nước, lương và bổng lộc rất nhiều nên tôi chỉ việc ở nhà chăm con và làm việc nhà.
Chồng tôi không phải mẫu người tình cảm, biết điều. Anh ấy keo kiệt và khá tính toán. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng đòi hỏi gì, yên phận sống và nhất nhất nghe theo mọi việc chồng sai bảo.
Nhưng, cuộc sống bình yên của tôi kéo dài chẳng bao lâu. Những mâu thuẫn giữa gia đình anh, gia đình tôi bắt đầu phát sinh theo thời gian. Cũng chẳng có việc gì to tát, chỉ là những lời nói qua nói lại, nhưng khiến tôi càng ngày càng rơi vào thảm kịch. Mà căng thẳng nhất là anh liên tục chửi bới gia đình vợ, cho rằng họ bòn tiền của mình và anh cũng cấm tiệt tôi liên lạc.
Mọi việc càng tồi tệ hơn khi cơ quan của anh bị sáp nhập, anh buộc phải nghỉ việc vì không đủ trình độ. Từ một người có thu nhập cực kì cao, anh thành kẻ thất nghiệp. Sự chán chường, hằn học cùng bản tính không mấy tốt đẹp trước đây của anh được dịp bộc lộ rõ với tất cả mọi người, đặc biệt là với tôi.
|
Anh thường xuyên đánh đập tôi vì ghen tuông. Ảnh minh họa |
Tôi bắt đầu xoay xở chuyện kinh tế gia đình với việc mở một quán tạp hóa. Lúc bấy giờ, 2 đứa con trai tôi đang học cấp 2. Anh thì chẳng làm gì, sống bằng những đồng lương trợ cấp, suốt ngày đi ra đi vào và thường xuyên gắt gỏng. Cũng bắt đầu từ đây anh thường xuyên dở thói ghen tuông một cách vô lối và bệnh hoạn. Chỉ cần một người khách nam nào đó đứng nói chuyện với tôi lâu một chút sẽ bị anh chửi rủa và sau đó là những trận đòn dành cho tôi.
Có lần, anh lên nhà nội có việc, khi trở về nhìn thấy một người thu tiền điện từ trong nhà bước ra. Anh bước vào và cầm ngay cây roi quất tới tấp vào người tôi. Chưa kể, anh còn bắt tôi cởi hết đồ ra để anh kiểm tra giữa ban ngày.
Một lần khác, khi tôi tắm rồi mặc quần lót vào thì thấy nóng ran. Tôi hoảng hốt cởi đồ ra và phát hiện đống đồ lót của tôi đã bị anh xát đầy ớt vào. Khi tôi hỏi thì anh lớn tiếng: Cho mày chừa, cái tội lăng loàn.
Đau đớn và nhục nhã vô cùng nhưng tôi không biết phải làm thế nào? Tôi quá cô đơn và không nơi bấu víu. Gia đình ngoại thì nghèo, lại thêm cha dượng chẳng yêu thương gì tôi, 2 con tôi đang tuổi ăn tuổi học. Tôi không dám tiếp xúc hay nói chuyện với ai, bởi anh sẽ kiếm cớ gây gổ. Tôi lủi thủi ở trong nhà và cố hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người lạ, để tránh những trận đòn. Thậm chí, nói chuyện lâu với hàng xóm là nữ tôi cũng dễ bị anh nghi ngờ là "bày mưu tính kế để đi lăng loàn".
Lúc nào anh cũng tìm được cớ để đánh đập tôi. Ai nhìn tôi cũng xót xa. Mẹ lên gặp con gái cũng phải tránh né, lấm lét sợ bị anh phát hiện rồi nghi ngờ tôi dấm dúi gì đó cho mẹ, và lại đánh đập tôi. Bao nhiêu lần hội phụ nữ, chính quyền vào hòa giải, xử phạt. Song, mọi cái lại đâu vào đấy. Thậm chí, mỗi lần bị xã, chính quyền, hội phụ nữ mời lên hoặc đến nhà là sau đó tôi lại bị hành hạ nhiều hơn.
Tôi sống như thế thêm 7 năm trời nữa. Ai cũng hỏi tôi, với một người chồng bệnh hoạn như thế sao không bỏ mà đi. Nhưng, trong tôi đầy nỗi lo sợ, biết đi đâu, biết làm gì mà sống, rồi 2 con của tôi sẽ ra sao. Khi các con trai của tôi lớn lên, chúng cũng nhiều lần động viên mẹ bỏ nhà đi, nhưng tôi thực sự không dám.
Rồi con trai lớn của tôi vào đại học. Cháu liên tục gọi điện thoại về và yêu cầu tôi rời khỏi nhà. Cháu lên hẳn một kế hoạch, xin việc làm để tôi mạnh dạn bỏ đi. Tôi rất lo cho cậu con út nên còn chần chừ, nhưng cháu cũng luôn miệng động viên và nói tôi đừng lo cho cháu. Mãi rồi tôi cũng quyết định phải ra đi. Tôi bỏ lại phía sau tất cả, bỏ lại cậu con út đang học lớp 11, lên đường đến một vùng quê mới. Ở đó, con trai lớn của tôi đã lo lắng cho mẹ mọi thứ về chỗ ở và nơi làm việc.
Tại đây, hơn 5 năm qua tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi làm nhân viên rửa chén, rồi đứng bếp trong một nhà hàng địa phương. Cuộc sống thực sự rất thoải mái, không phải nơm nớp lo lắng và sợ hãi. Con trai thứ của tôi cũng đã vào đại học. Các cháu vẫn thường xuyên liên lạc với ba, và ghé thăm động viên tôi. Trong 5 năm qua, tôi cũng tìm được tình yêu mới. Yêu thôi chứ cũng chẳng tính gì đến chuyện kết hôn. Vì tôi vẫn chưa li dị với chồng cũ.
Đến tận lúc này, tôi mới hiểu hóa ra cuộc sống còn quá nhiều những điều tuyệt vời và thú vị. Nếu không có con trai lớn của tôi có lẽ tôi đã chôn vùi cuộc đời mình với một người chồng bệnh hoạn, một cuộc sống tù túng đau khổ.
Theo Dân Việt