Bài toán chi tiêu luôn khiến chúng ta đau đầu, đặc biệt là đối với những người được giao nhiệm vụ giữ tay hòm chìa khoá trong nhà - mà thông thường là hội chị em. Nhất là trong thời buổi giá cả leo thang, kinh tế cũng khó khăn hơn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nơi như hiện nay, việc chi tiêu sao cho khéo léo là bài toán khó với nhiều gia đình.
Đã có không ít chị em buồn phiền than thở vợ chồng thường xuyên lục đục vì vấn đề cân đối chi tiêu gia đình, xuất phát từ việc công việc ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến thu nhập thiếu hụt.
Ở vùng nông thôn chi tiêu hợp lý đã khó, nếu sống ở thành phố, áp lực càng tăng lên gấp bội phần khi mà thu nhập bị cắt giảm, trong khi từ củ hành đến mớ rau đều phải bỏ tiền ra mua.
|
Không ít cặp vợ chồng từng cãi vã liên quan đến vấn đề chi tiêu trong gia đình |
Chị C.V, một bà nội trợ đến từ Đồng Nai mới đây đã đăng đàn bức xúc khi bị chồng chê "không biết giữ tiền", dẫn đến vợ chồng chị tháng nào cũng cãi vã vì chuyện tiền nong.
Theo đó, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà chị C.V không buôn bán được, dẫn đến mọi chi phí sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào chồng chị.
Hằng tháng, gia đình chị C.V gồm 3 người lớn và 2 con nhỏ chi tiêu hết gần 25 triệu đồng. Con số khá lớn và theo bà mẹ 2 con, tháng nào chị cũng đau đầu tính toán nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, thậm chí còn phải đi vay mượn để bù vào khoản thiếu.
Áp lực là vậy, nhưng chị càng bức xúc hơn khi chồng không thấu hiểu, chia sẻ với vợ mà còn thường xuyên trách vợ "hoang phí", "không biết giữ tiền".
Chị C.V quyết định chia sẻ bảng chi tiêu của gia đình trong một tháng, nhờ hội chị em phân xử: "Theo mọi người nhà mình chi tiêu như vậy có nhiều không? Chứ mình đã rất tiết kiệm, ấy mà chồng còn trách cứ được.
Mỗi tháng đến kỳ nộp tiền học phí cho con, hay nộp lãi là chồng lại cằn nhằn, kêu vợ không biết cân đối, xài phung phí, vợ chồng lục đục mãi.
Nhiều lần mình bực quá, giao lại tiền cho anh giữ, nhưng cảnh chồng giữ tiền, mình đi chợ hay muốn mua gì cũng phải hỏi xin từng đồng cũng không ổn."
|
Gia đình 5 người chi gần 25 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí phát sinh. |
Kèm theo đó, chị C.V chia sẻ ảnh chụp bảng chi phí hằng tháng của gia đình 5 người. Chia sẻ của chị V. nhanh chóng nhận được nhiều lượt quan tâm của dân tình.
Đa phần mọi người đều về phe người vợ, cho rằng mức chi tiêu như thế này là hợp lý, thậm chí có ý kiến còn nhận định chị C.V khá tiết kiệm sau khi nhìn ra một chi tiết.
Cụ thể, trong bảng chi tiêu, vợ chồng chị C.V dành đến gần 14 triệu đồng để tiết kiệm, trả lãi ngân hàng và lãi vay của Hội Phụ nữ địa phương. Sau khi trừ ra 3 khoản này, gia đình 5 người chỉ chi tiêu hết hơn 10 triệu đồng/tháng cho các khoản thiết yếu như ăn uống, tiền học phí, tiền sữa cho con...
Mức chi tiêu này được cho là có phần dè sẻn. Chị C.V còn tâm sự thêm, biết chồng vất vả kiếm tiền nên chị cũng tranh thủ ở nhà vừa chăm con, vừa bán hàng online.
Số tiền này chị thêm vào với anh chồng để lo toan mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Ấy vậy mà anh còn chê trách, nên chị mới bức xúc:
"Con mình đứa 6 tuổi, đứa 7 tuổi, không học bán trú nên mình phải đưa đón 2 lượt mỗi ngày, không đi làm công ty được. Trước Tết mình vẫn buôn bán đều đều, thu nhập khoảng 6-7 triệu/tháng nên tạm ổn.
Giờ dịch quá nên chỉ ở nhà cơm nước, dạy con học, chồng làm 20 triệu/tháng mà chi phí mỗi tháng gần 25 triệu nên mình toàn phải chạy vạy, vay mượn thêm bù vào. Stress lắm mà chồng không hiểu, cứ trách móc suốt".
|
Đa số dân mạng cho rằng mức chi tiêu này là bình thường, thậm chí có phần tiết kiệm |
Một số chị em hiến kế để chị C.V giải quyết bài toán chi tiêu khá đau đầu này. Chị Minh Phương nói: "Góp hội, trả lãi ngân hàng là tiền tiết kiệm chứ có phải chi tiêu đâu, tính ra nhà bạn 5 người mà có hơn 10 triệu/tháng là còn ít.
Nếu chồng chê thì cứ giao lại việc phải chi tiêu trong nhà cho anh ta, vừa nhẹ gánh mà không bị đau đầu và trách móc. Để xem anh ta có trụ nổi một tháng không?"
Chị Ngọc Lan thì khuyên chị C.V nên cân đối lại các khoản chi: "Bạn chi tiêu khá tiết kiệm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau là do bỏ ra gần 7 triệu góp tiết kiệm.
Trước đây buôn bán được không nói, giờ khó khăn thì nên dùng khoản đó để trả lãi ngân hàng, còn lại chi tiêu, như thế sẽ đỡ phải đau đầu tính toán"
Theo Ngân Hà/Nhịp Sống Việt