Sau 10 năm cưới nhau, vợ chồng tôi bắt đầu có cuộc sống dư dả. Tiền nhàn rỗi chẳng để làm gì, hai vợ chồng bàn nhau đi mua đất.
Cách đây vài năm, đất lên giá, vợ chồng tôi lãi được một khoản kha khá. Sau khi bán được đất, tôi cảm thấy thoải mái vì đinh ninh từ nay có vài tỷ đồng phòng thân.
Chồng tôi vốn dĩ là người tình cảm. Anh đối xử tốt với gia đình hai bên. Ngoài công sức, anh còn sẵn sàng cho vay tiền dù chưa phải là khá giả gì.
Em chồng tôi muốn có nhiều tiền nhưng chẳng chịu vất vả làm văn phòng mà thích đi kinh doanh. Sau một thời gian thử bán hàng qua mạng, cô ấy tính mở cửa hàng trên mặt phố lớn.
Mặc dù vốn liếng chẳng có nhiều, mang trong mình tham vọng, em gái chồng nhiều lần ngỏ ý vay mượn bố mẹ đẻ và vợ chồng tôi.
Chồng tôi có tính hay cả nể, còn tôi cương quyết từ chối. Vì tôi chẳng muốn dính líu chuyện vay mượn tiền. Yên ổn không sao, lỡ thất bại lại mâu thuẫn hai bên.
Tuy nhiên, nghe mẹ chồng nhờ cậy, chồng tôi lại muốn giúp đỡ. Vì tôi giữ thái độ cương quyết nên anh không dám gật đầu.
|
Chồng không nghe lời tôi nên bây giờ, cả nhà lo lắng với số tiền đã cho vay (Ảnh minh họa: Deposit). |
Biết thái độ chị dâu cứng rắn, nhưng em gái chồng vẫn năn nỉ suốt nhiều tháng về chuyện cho vay để lấy vốn kinh doanh.
Tôi chẳng nghĩ đến lãi lời hay chia lợi nhuận, điều lo lắng nhất là kinh doanh chưa ai nói trước sẽ thành công. Lỡ như xui xẻo gặp thất bại, lúc đó cô ấy lấy đâu mà trả.
Một thời gian sau, chẳng biết em chồng thuyết phục thế nào mà chồng tôi thay đổi thái độ. Anh bảo người trong nhà không giúp nhau thì giúp ai, lúc cần người ta mới nhờ cậy, chẳng lẽ quay mặt làm ngơ.
Tôi nói rõ lý lẽ và quan điểm, không phải vì tiếc tiền mà đề phòng những rắc rối khi thất bại trong chuyện làm ăn.
Chồng tôi không những không đồng tình mà tỏ thái độ dằn vặt, hậm hực suốt nhiều ngày. Trước sức ép của chồng và gia đình bên nội, tôi đành phải đồng ý cho em gái chồng vay tiền. Tuy vậy, tôi vẫn cẩn thận, yêu cầu ký giấy tờ vay mượn đàng hoàng.
Sau khi tôi đồng ý, chồng mở két xếp tiền vào vali đưa qua cho em gái. Một tháng sau, cửa hàng mặt phố đi vào hoạt động. Chi phí mặt bằng mỗi tháng 40 triệu đồng, tiền sửa chữa trang trí và nhập hàng hết 1,5 tỷ đồng.
Em chồng bảo muốn làm ăn lớn để đổi đời. Nhìn cơ ngơi bề thế, tôi vẫn canh cánh nỗi lo về số tiền hơn 1 tỷ đồng cho cô ấy vay.
Cửa hàng hoành tráng và hàng hóa chất lượng nhưng chẳng hề đông khách như em chồng tưởng tượng. Vài tháng đầu còn cố chịu cảnh bù lỗ, sau 6 tháng, kinh tế kiệt quệ, em gái đành thanh lý cửa hàng rồi gánh trên vai khoản tiền vay của gia đình tôi và bạn bè.
Em gái chồng đến nhà khóc lóc, xin vợ chồng tôi cho một thời gian sắp xếp. Nhìn cảnh đó, tôi chẳng muốn làm lớn chuyện, đành chấp nhận để cô ấy đi làm công việc khác trả nợ.
Đến nay đã gần 2 năm, tiền gốc còn chẳng trả được đồng nào chứ đừng nói tiền lãi. Tôi năm lần bảy lượt đề nghị trả dần nhưng em chồng chỉ hứa cho qua chuyện.
Mẹ chồng tôi chẳng nói với em chồng đã đành, còn mắng chị dâu quá quắt đòi mãi một khoản tiền mà chắc chắn không ai quỵt. Đành rằng đòi nợ nhiều không hay nhưng tình trạng này kéo dài, số tiền đó có thể bị rơi vào lãng quên.
Em chồng hứa hết lần này đến lần khác rồi lại thất hứa. Tôi sốt ruột, sầu não với số tiền hơn 1 tỷ đồng chẳng biết đến bao giờ thu hồi được.
Thời gian gần đây, cứ mỗi khi nghĩ đến số tiền đó, tôi lại bực mình. Tôi nhờ mẹ chồng can thiệp, bà cứ ậm ừ cho qua chuyện rồi đâu lại vào đó.
Khi tôi gây sức ép, chồng tôi thở dài rồi nói sự thật. Em chồng đang nợ nhiều nơi gồm: Bạn bè, đồng nghiệp, tiền hàng hóa nên chưa biết bao giờ mới trả được. Nghe xong lời thú nhận của chồng, tôi như "chết đứng".
Giấy tờ vay tiền đang được tôi nắm giữ nhưng anh em trong nhà không lẽ đưa nhau ra pháp luật. Tuy vậy, tôi cũng không thể ngồi yên khi thấy số tiền mà mình có được nhờ đất cát "bốc hơi" chưa hẹn ngày trở về.
Tôi quay ra trách móc chồng, anh chỉ buông một câu đầy thờ ơ: "Ai biết trước được". Câu nói của chồng càng làm tôi xót của, nhiều đêm thức trắng không chợp mắt nổi.
Với tình trạng hiện tại của cô em chồng, tôi nghĩ có thể chẳng bao giờ đòi được tiền, trừ khi nhờ pháp luật can thiệp. Trong khi đó, tôi như ngồi trên lửa, không biết làm thế nào với tình cảnh hiện tại.
Theo Tuệ Minh/Dân Trí