Mục đích của chia tay tạm thời
Theo các chuyên gia tâm lý, để tạm dừng một mối quan hệ, bạn nên chú ý những điều dưới đây:
- Đặt giới hạn thời gian tạm dừng sẽ kéo dài bao lâu.
- Thiết lập các quy tắc cơ bản.
- Sử dụng thời gian để suy ngẫm về mối quan hệ và mục tiêu của bạn.
- Quyết định các bước tiếp theo.
Lý do tạm dừng ở mỗi cặp đôi có thể khác nhau, nhưng mục tiêu thường là quay lại mối quan hệ với ý thức cam kết và tìm niềm đam mê mới.
Câu hỏi đặt ra là liệu thời gian tạm dừng có thực sự hiệu quả? Việc nghỉ ngơi có thể giúp ích cho mối quan hệ của bạn về lâu dài hay nó sẽ phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ?
Thực tế là tất cả các mối quan hệ đều sẽ trải qua những giai đoạn khó quản lý. Đối với một số cặp đôi, thời gian tạm dừng mang lại những hiệu ứng tốt, nhưng đối với những cặp đôi khác, khoảng cách dù chỉ là một chút cũng có thể trở thành sự chia tay vĩnh viễn.
Vì vậy, trước khi quyết định chấm dứt mối quan hệ của mình, bạn và đối phương cần phải hiểu liệu việc chia tay tạm thời có giúp ích nhiều hơn là gây tổn thương hay không.
Hãy cân nhắc lý do bạn rời đi và nghĩ xem bạn có thể làm gì để biến việc chia tay tạm thời trở thành một trải nghiệm hữu ích.
Nhà trị liệu cặp đôi và chuyên gia về mối quan hệ Kathryn Ford (Hoa Kỳ) giải thích với Verywell Mind: “Thông thường, chúng ta nghĩ việc giữ khoảng cách với người thân là một hành động thiếu yêu thương. Nhưng việc sử dụng khéo léo sự gần gũi và khoảng cách là một phần rất quan trọng của sự thân mật”.
Trong một số trường hợp, tạm dừng một mối quan hệ có thể là một cách lành mạnh để duy trì chính mối quan hệ đó. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn là một cách để tạo khoảng cách để hai người có thể... “thở” thật thoải mái, vấn đề là bạn cần khoảng cách bao nhiêu và kéo dài bao lâu.
Lập kế hoạch chi tiết và áp dụng một cách cẩn thận
Theo một nghiên cứu, gần một nửa số người tham gia cho biết họ đã tạm chia tay và sau đó làm hòa với bạn đời của họ.
Đối với nhiều người, quá trình chia tay để dành thời gian một mình cho phép họ đầu tư vào việc khám phá bản thân và theo đuổi các mục tiêu cá nhân. Sau đó, khi họ sẵn sàng tái cam kết với mối quan hệ, họ có thể quay lại với nhau, với những trải nghiệm và kỹ năng mới và cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho mối quan hệ.
Rõ ràng, nghỉ ngơi tạm thời mang lại lợi ích trong một số trường hợp, nhưng một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng kiểu quan hệ này có thể có tác động tiêu cực đến định hướng và kết quả của các mối quan hệ trong tương lai.
Nếu bạn có xu hướng chia tay rồi hàn gắn lại, điều đó có thể khiến bạn có nhiều khả năng xoay chuyển các mối quan hệ tiếp theo theo cách tương tự.
Cho dù việc nghỉ ngơi tạm thời đi kèm với những thách thức và rủi ro nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể là một chiến lược hữu ích khi được sử dụng một cách thích hợp với sự cẩn thận và lập kế hoạch chi tiết.
Tiến sĩ Ford nói: “Bất kể việc chia tay được cho là một bước đi mạo hiểm nhưng đôi khi nó cũng là bước đi đúng đắn cho một mối quan hệ.”
Điều quan trọng là đảm bảo rằng bạn đang nghỉ ngơi vì những lý do chính đáng, thiết lập các quy tắc cơ bản rõ ràng và sử dụng thời gian một cách khôn ngoan để đạt được sự rõ ràng đó.
Khi thời gian tạm nghỉ đã trôi qua, hãy quay lại với nhau để thảo luận về các bước tiếp theo trong mối quan hệ. Nói về những gì bạn đã học được trong thời gian xa nhau và điều đó ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của bạn về sau.
Khi được áp dụng tốt, việc đặt chế độ nghỉ ngơi tạm thời cho mối quan hệ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu, mục tiêu và sự kết nối của mình với đối tác.
Theo Thủy Kiều/Giáo dục và Thời đại