Khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau:
Với người lớn bị sốt xuất huyết cần phải cho uống nhiều nước, ăn uống điều độ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tuân thủ yêu cầu chữa bệnh của bác sĩ cũng như sử dụng đều các loại thuốc được kê đơn.
Với những người bệnh sốt xuất huyết liên tục bị sốt cao lên đến 39-40 độ C thì bên cạnh sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát để giảm nhiệt độ cơ thể.
Cách lau mát đúng là dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô lau trán, mặt, tay chân, các vùng nách, bẹn… Không được dùng nước đá, nước lạnh để lau vì càng khiến cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.
Người bệnh cần được tái khám hàng ngày nếu điều trị ngoại trú tại nhà. Đặc biệt lưu ý, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh.
Việc chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết cần lưu ý và thực hiện tỉ mỉ hơn hẳn so với người lớn.
Khi trẻ bị sốt, hãy cho bé uống thuốc hạ sốt theo liều phù hợp với cân nặng. Bên cạnh đó, tiền hành lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, co giật.
Vì trẻ bị sốt thường mất nước và rất háo nước, hãy cho bé uống nhiều nước lọc, nước cam, nước chanh và nước oresol.
Nên cho bé ăn thức ăn lỏng, nhẹ giúp bé dễ nuốt, dễ tiêu hóa và hấp thụ.
Cho con tới bệnh viện tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.
Cha mẹ cần đặc biệt chú ý không nên cạo gió, bắt gió cho bé vì việc này có thể gây chảy máu, nhiễm trùng vùng da đó.
Không tự ý cho bé truyền dịch tại các phòng khám không đủ điều kiện hoặc không có chỉ định của bác vì đã có nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim nguy hiểm tính mạng.
Cha mẹ cũng cần theo dõi trẻ thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng và cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.
Thực tế, thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt, thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6. Thời điểm này, bệnh có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Tuyết Mai