Đau nhức đầu ở trẻ có thể khác nhau về cường độ cơn đau, thời gian và những ảnh hưởng của nó đến các hoạt động hằng ngày của bé.
Đau đầu ở trẻ nhỏ có thể là đau đầu nguyên phát hoặc thứ phát. Đau đầu nguyên phát là đau đầu không có bất cứ nguyên nhân y tế nào. Đau đầu thứ phát là triệu chứng của một số bệnh, là kết quả của nhiễm trùng, lo âu, trầm cảm, vấn đề ở xoang hoặc đau nhẹ ở những khu vực như cổ hoặc đầu.
Điểm danh những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị đau đầu.
Do bệnh lý và nhiễm trùng: Các bệnh thông thường như cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng tai và xoang là một số nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ nhỏ thường gặp nhất. Các loại nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như viêm màng não hoặc viêm não cũng có thể gây nhức đầu nhưng thường đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng khác, như sốt và cứng cổ.
Chấn thương đầu: Các vết sưng và bầm tím ở đầu có thể gây nhức đầu. Trẻ cần được chăm sóc y tế nhanh chóng nếu bị ngã mạnh, đánh mạnh vào đầu hoặc cơn đau đầu ở trẻ trở nên tồi tệ hơn sau khi bị chấn thương đầu.
Bệnh về mắt: Đau đầu ở trẻ cũng có thể do một số bệnh ở mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị không phát hiện kịp thời nên không dùng kính hỗ trợ hoặc dùng kính nhưng không đúng tiêu cự. Ngoài ra cũng có thể do trẻ mắc một số bệnh viêm nhiễm ở mắt như viêm kết mạc, viêm tuyến lệ cấp.
Do căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng có thể là một trong những nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ nhỏ.
Do di truyền: Chứng đau nửa đầu có xu hướng di truyền trong các gia đình.
Do thực phẩm và đồ uống: Trẻ ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích… có thể bị nhức đầu, do trong thực phẩm có chứa chất bảo quản và phụ gia thực phẩm. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều caffeine- có trong sôcôla, cà phê và trà - cũng có thể gây nhức đầu.
|
Trẻ ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích… có thể bị nhức đầu. |
Vấn đề trong não: Một khối u não hoặc áp xe hay chảy máu trong não có thể gây ra nhức đau đầu mạn tính ở trẻ nhỏ. Tình trạng này hiếm khi xảy ra. Thông thường trong những trường hợp này, có những triệu chứng khác như các vấn đề về thị giác, chóng mặt và phối hợp kém. Đau đầu ở trẻ nhỏ thường xuyên cũng có thể do khối u. Vì vậy nếu trẻ than phiền về tình trạng đau đầu liên tục, tốt nhất hãy đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Khi cơn đau đầu ở trẻ xuất hiện vào buổi sáng sớm khiến trẻ không thể ngủ ngon, hoặc cơn đau tăng dần và diễn ra thường xuyên thì cần theo dõi chặt chẽ. Những triệu chứng cho thấy đau đầu là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng: Thường xuyên bị đau đầu; Đột ngột đau dữ dội; Đau đầu khi thức dậy; Đau dữ dội hơn khi bé ho, hắt hơi hoặc di chuyển đầu; Nhức đầu âm ỉ, mức độ từ nhẹ đến nặng; Buồn nôn hoặc nôn mỗi khi đau đầu; Thị lực giảm; Thay đổi tính cách; Chân trở nên yếu đi, gặp khó khăn khi di chuyển; Động kinh… thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Cha mẹ chính là ‘thuốc giảm đau’ tuyệt vời của trẻ
Khi trẻ bị đau đầu, cha mẹ cần khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng, mệt mỏi. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc các đồ uống không chứa caffein để tránh bị mất nước. Để trẻ nằm nghỉ ngơi thư giãn trong phòng yên tĩnh, mát mẻ.
Hãy làm tất cả những việc có thể để làm giảm tình trạng stress cho trẻ khi trẻ bị đau đầu do căng thẳng hay do cơn đau nửa đầu. Hướng trẻ tuân theo một lịch trình ăn và ngủ đều đặn có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Đối với cơn đau đầu ở trẻ em do căng thẳng, có thể hướng dẫn trẻ những kỹ thuật thư giãn như các bài tập thở sâu. Ngoài ra, trẻ có thể nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc cha mẹ đọc truyện cho trẻ nghe.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Võ Hồng Thu/ Báo Tiền Phong