Cuộc đời mỗi con người giống như cuộc hành trình của tàu hỏa. Trong cuộc hành trình đó, ta sẽ gặp rất nhiều người, gặp rất nhiều chuyện xảy ra, có người sẽ ở lại, có người sẽ rời đi ở giữa lộ trình. Ta cũng hoàn toàn có thể chọn đi tiếp, hay dừng lại rời đi, đợi chiếc tàu hỏa tiếp theo.
Tình yêu và hôn nhân cũng như vậy, sẽ thật hoàn hảo nếu chọn đúng người rồi nắm tay nhau đi đến cuối đời, nhưng cũng đừng sợ hãi mà hãy rời đi, tìm hạnh phúc cho bản thân nếu lỡ có lựa chọn nhầm. Người Á Đông bị áp lực nặng nề về cái nếp sống thời xưa, sợ người ngoài dèm pha, đàm tiếu, dò xét gia đình mình nếu con cái ly hôn, để rồi bắt ép con cái bấu víu vào một mối quan hệ chẳng có một lối thoát nào. Những điều ấy vô tình ngày từng ngày nhấn chìm những đứa con của họ trong đau khổ, vũ phu, ngoại tình…
Một câu chuyện ngắn có tên “Ly hôn là bất hiếu?” được đăng tải trên trang facebook Ngoa Confession dưới đây đã nhận được lượt share và bình luận nhiệt tình của cư dân mạng. Đó là một câu chuyện buồn về hôn nhân, gia đình, về cả một kiếp phụ nữ đau khổ khi bước chân nhầm vào một cuộc hôn nhân sai trái. Người ta cứ nói: ” Khi cuộc sống quá khó khăn, khi bị tổn thương bởi người khác thì hãy nhớ rằng bố mẹ và gia đình luôn ở đây, mở rộng vòng tay đón bạn trở về.” Ấy vậy mà, trong câu chuyện dưới đây, gia đình lại là những người đầu tiên quay lưng lại với con gái của mình. Nhiều người đọc xong đã phải thốt lên rằng: “Người phụ nữ lấy nhầm chồng đã khổ nhưng bị chính bố mẹ, gia đình ruột thịt quay lưng còn khổ gấp trăm lần!”
|
Ảnh minh họa. |
Tôi nhớ mãi đêm hôm ấy, mẹ cầm chiếc nón rách, ôm tôi trong đêm mưa lạnh, trốn về nhà ông bà.
Tôi nằm co ro một góc trên ghế. Nhà chỉ có một phòng ngủ. Ông ngoại tôi đang ngủ trong đó. Nếu ông thức dậy và biết mẹ ôm tôi bỏ về nhà, ông sẽ đánh mẹ đến chết chứ chẳng đùa.
Mẹ tôi nước mắt giàn giụa, cầm chiếc thìa run run đưa miếng cơm trộn đường vào miệng. 2 giờ sáng, nhà không phải là thiếu đồ ăn. Bà ngoại sợ nấu nướng lạch cạch đánh thức ông tôi dậy.
Mặt bà đỏ gay gắt như muốn xé đôi mẹ tôi ra. Gác chân lên ghế, bà hết vòng tay qua đầu gối, xoay người sang trái, xoay người sang phải, răng nghiến lên từng đợt, muốn chửi mắng lắm mà lại sợ ông tôi thức dậy. Chua chát là, bà cũng như ông, muốn chửi mẹ tôi, chứ không phải bố tôi, một kẻ ngoại tình bội bạc.
Mẹ tôi bỏ về nhà không phải lần đầu. 31 tuổi còn bị ông ngoại tôi nắm tóc đánh thừa sống thiếu chết. Chẳng gì mà ông bà tôi không làm được. Bà tôi khác ông tôi, dù là hổ dữ nhưng hổ mẹ có lẽ vẫn phần nào ôn hòa hơn hổ cha. Bà không đánh mẹ tôi mà chỉ bơm vào để ông tôi đánh đau thêm.
Nhưng lần này, có lẽ phần vì đêm rồi không muốn to chuyện, phần vì nhìn vết rách dài bằng nửa ngón tay trên mí mắt mẹ tôi, bà bỗng dưng động lòng thương xót đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra, thay vì bênh vực người dưng nước lã.
Cơ mặt bà giãn dần ra, mắt buông thõng về phía cửa sổ. Trời tối đen như mực, như tương lai của con gái bà.
“Mày ngu lắm”, “Sao tao lại đẻ ra cái thứ như mày”, “Bây giờ mày bỏ nó thì ai nuôi con mày?”. Đó là những câu ca cay đắng lặp đi lặp lại suốt những lần mẹ bị bố đánh và bỏ về nhà ngoại. Lần này, bà không đay nghiến nữa, cũng chẳng nhìn vào mặt mẹ tôi. Nhìn sao nổi, khi biết rằng những lời khuyên con gái ở lại với cái thứ tồi tệ đó đã gây ra những vết bầm tím kia.
“Sao không cố thêm tí nữa?”.
Mẹ tôi đập mạnh bát xuống bàn, rồi khóc nấc lên từng đợt: - Cố kiểu gì nữa hả mẹ? Con hỏi mẹ cố kiểu gì nữa? Mẹ nhìn con thế này rồi còn cố cái gì nữa?
Bà tôi như giãy nảy lên, bà rít mạnh, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau: “im ngayyyy. Thằng bố mày mà dậy bây giờ thì chết cả mày cả tao”.
Tôi chỉ biết nằm cuộn tròn trên ghế, nắm chặt chăn để không bật ra tiếng khóc. Tôi sợ ông tôi dậy. Tôi sợ ông lại đánh mẹ. Kinh khủng hơn cả bị chồng đánh, là bị bố mẹ đánh vì đòi bỏ chồng.
Bố tôi ngoại tình, ngoại tình một cách trơ trẽn. Nhưng trong mắt ông bà nội ngoại, bố là người tài giỏi, kiếm được rất nhiều tiền. Người già suy nghĩ đơn giản thật, cứ có nhà có xe, xây nhà to cho bố mẹ đẻ, mua sắm đồ đạc cho bố mẹ vợ, là thoải mái đi ngoại tình. Lỗi lầm đều là do vợ xấu xí, luộm thuộm, già cỗi, không biết giữ chồng.
Ông bà ngoại tôi vốn không phải người xấu, nhưng nỗi sợ hãi về việc phải chấm dứt cuộc sống ổn định về tài chính do con rể chu cấp, nỗi sợ mang tiếng nhà có con gái bị chồng bỏ, muôn vàn những nỗi sợ, biến họ thành những con người không thể chấp nhận được.
Ông ngoại có thể đạp mẹ tôi ngã dúi dụi vào tường, dù mẹ vừa ăn vài phát tát của bố, trong khi chú chim sáo trị giá cả chục triệu đồng mà bố tặng ông vẫn cứ nhảy cẫng lên và hót líu lo.
Ông dành cả ngày để ngắm nghía hòn non bộ với những con cá vàng trông ngu si hết sức nhưng có giá bằng cả tháng lương hưu. Ông nhìn qua là biết cá này nguồn gốc ở đâu. Nhưng con gái ông bị bạo hành về cả thể chất lẫn tinh thần ông coi như không thấy.
Bố tôi là kiểu người thích dùng tiền để xí xóa. Mẹ tôi thì ngoài nhà ông bà ngoại, không còn chỗ nào để đi.
Mỗi lần đánh mẹ tôi như một kì nghỉ với bố. Ông ta cứ đánh cho sướng tay, rồi mọi chuyện sẽ y như kế hoạch của ông. Mẹ ôm tôi về nhà vài ngày, đủ để bố đi du lịch với nhân tình, hoặc lôi chính cô ta về hành lạc trên chiếc giường của mẹ tôi.
Khi cuộc hoan lạc đã xong xuôi, bố sẽ mang đến nhà ông bà ngoại một chậu cây cành, một mẩu gỗ lũa, một con chim mới, và ông ngoại tôi sẽ vui vẻ giao trứng cho ác.
Với ông bà ngoại, không còn gì vui hơn những lần giao con gái cho con rể, nhìn con gái ông cháu bước lên chiếc xe hơi mà cả xóm bỏ công bỏ việc ngó ra xem, ngưỡng mộ, tán thưởng. Ông bà tôi thích lắm. Mặc kệ mẹ con tôi ôm ghì lấy nhau và run lên bần bật. Ngay khi chiếc xe được lái vào ga ra, bố tôi sẽ hạ một trong những cái cửa cuốn hiếm hoi ở Hà Nội lúc bấy giờ. Chỉ cần ánh nắng chiếu qua khe cửa hẹp chính thức tắt đi, mẹ tôi sẽ ăn một trận đòn nữa.
Nhưng hôm đó là lần cuối cùng mẹ về nhà ông bà ngoại.
Bà li dị bố tôi, không đòi bất cứ tài sản gì. Ngoài quyền nuôi tôi. Cuộc chia tay diễn ra vô cùng nhanh gọn, vì với bố tôi, tôi cũng chẳng phải là thứ tài sản gì đáng để mất thời gian đấu tranh. Nhân tình của bố không thích tôi. Mẹ tôi mang tôi đi, càng tốt.
Mẹ cũng không nói gì với ông bà ngoại, vì thừa biết, bà thích nghe hàng xóm khen ngợi con rể. Ông thích nghe tiếng chim hót, hơn là nghe con gái trình bày.
Mẹ bàn bạc và xin ở nhờ nhà cậu tôi một thời gian. Theo kế hoạch là 1 tháng, trong lúc mẹ tôi tìm nhà trọ.
Cậu tôi thì lại đang vay tiền của bố để làm ăn. Bữa cơm tối đầu tiên khi mẹ tôi dọn đến. Mợ nhéo cậu, cậu nhéo mợ, cuối cùng đá qua đá lại, mợ tôi cười méo mó, đặt bát cơm xuống và nói:
- “Chị đã nghĩ kĩ chưa, vì em thấy cái Ngân nó cũng còn bé ấy…”
- “Ăn xong chưa con?”, mẹ hỏi, ”Xong rồi thì mẹ con mình đi. Cảm ơn cậu mợ vì bữa cơm”
Và mẹ con tôi bỏ đi ngay trong đêm đó. Đồ đạc vẫn để nhà cậu, mẹ lái xe đạp đưa tôi lên cầu hóng gió.
Tôi hỏi mẹ đi đâu. Mẹ bảo không biết. Cứ đi thôi, đi về đâu không có những con người chỉ biết đến tiền.
Lâu lắm tôi mới thấy mẹ cười. Mẹ mua ngô nướng cho tôi, đạp xe một vòng sang Gia Lâm chơi rồi quay lại ga Long Biên, mua một manh chiếu nhỏ và ngủ nhờ trong đó.
Đêm đó, gối đầu lên ngực mẹ, mẹ vuốt những sợi tóc tơ của tôi, bảo:
- Sau này, chỉ cần con thấy người thân không còn muốn tốt cho con nữa, hoặc đặt cái lợi của họ lên trên cảm giác của con, đừng coi họ là người thân nữa.
Tôi ngẩng đầu lên ngơ ngác:
- Nhưng như thế có phải là bất hiếu không mẹ?
Mẹ ghì đầu tôi xuống, vỗ vỗ nhẹ.
- Hâm, bất hiếu, tội bất hiếu có nặng bằng bất nhân với chính bản thân mình không?
Mẹ tôi mang theo tôi đi với 2 bàn tay trắng. May mắn lắm mới được một người bạn học thân thiết cho thuê lại căn phòng tập thể, nhưng chua chát thay, lại là căn nhà nhìn thẳng xuống ngôi nhà cũ của chúng tôi, nơi bố tôi đã đón tình nhân và con riêng về ở.
Tôi nhớ mãi cái ngày đấy, cô Nhàn, bạn mẹ, trước khi mở cửa cho mẹ con tôi chuyển đồ vào, cô do dự mãi. Rồi đóng chặt cửa, kéo mẹ tôi xuống cầu thang:
- Mày điên rồi, thiếu gì nhà, tao còn mấy cái nữa, tao cho mày ở miễn phí, ở đây nhìn chúng nó rồi có ngày hóa điên.
Mẹ tôi cương quyết:
- Con tao đang học dở ở đây, nó còn bạn bè ở đây, tao không thể vì bản thân mình không nhìn được chuyện chướng mắt mà bắt nó chuyển đi. Mày có căn nào gần đây thì cho tao thuê, còn không cứ cho tao ở đây, tao trả gấp đôi tiền.
- Con điên, tao kệ mày đấy.
Cô Nhàn không lấy tiền thuê nhà của mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi vẫn đưa. Không còn cách nào với con bạn cứng đầu, cô bèn bảo tôi đưa em My, con gái út của cô, về nhà mỗi chiều và kèm em học, tiền thuê nhà đó sẽ là lương tháng cho công việc đầu tiên trong đời của tôi.
Đời người cũng chỉ mong có người bạn như vậy.
Đời người cũng chỉ mong có người mẹ biết vì cảm xúc của con mình.
Chứ không phải một người cha thích ngắm chim, ngắm cá hơn nhìn thẳng vào sự thật, vào những vết bầm trên mặt con gái. Một người mẹ thích nghe hát đĩa than hơn nghe con mình kể khổ.
Có những chiều, tôi đưa em My nhà cô Nhàn về nhà, bắt gặp bố tôi, nhân tình và con riêng cùng nhau lên ô tô, đưa nhau đi ăn uống sang chảnh. Họ hạnh phúc thật, hạnh phúc đến mức 3 năm liền bố tôi không hề biết mẹ con tôi vẫn ngày ngày theo dõi ông từ căn nhà đối diện. Tôi vẫn hay tưởng tượng, họ sẽ làm gì với nhau khi cửa cuốn hạ xuống.
Giống như việc mẹ mua một bàn cà phê xinh đẹp đặt bên khung cửa sổ nhìn thẳng ra gara cũ. Tối Chủ Nhật, khi tôi kèm tiếng Anh cho em My, mẹ và cô Nhàn sẽ ngồi uống cà phê bên cửa.
- Mày nghĩ chúng nó được bao lâu? - Cô Nhàn hỏi.
- Để xem chúng mình ngồi đây được bao lâu, mẹ trả lời.
Đời không phải là một câu chuyện cổ tích, nơi Tấm cuối cùng trở về với ngôi vị hoàng hậu, còn Cám bị dội nước sôi đến chết. Chẳng có một cái nghiệp nào có thể quật được bố tôi, ông làm ăn ngày càng phát đạt, đổi xe liên tục, mỗi năm sơn nhà một màu và hiện tại đã tậu thêm được một căn hộ cao cấp nào đó.
Họ hàng bên nội của tôi, ban đầu còn thương cảm cho hai mẹ con nhà tôi, sau này thấy bố làm ăn phát đạt, lại quay sang khen ông cưới vợ mới vượng phu, có lộc.
“Họ có nghèo lắm đâu, sao lại hèn hạ như vậy?”, tôi vẫn hay hỏi mẹ.
Mẹ tôi chỉ nhâm một ngụm trà rồi mỉm cười, mắt nhìn về chiếc gara cũ.
…..
Sau vài năm, mẹ tôi cũng có thể mua lại căn hộ của cô Nhàn, trang trí thật xinh đẹp. Mẹ buôn bán nhỏ ngay dưới nhà còn tôi đi học và đi làm cũng gần đó. Cuộc sống không thể nào thuận tiện hơn.
Vì khác lối đi, và cũng khác giờ giấc, nên tôi gần như chẳng bao giờ gặp bố cả. Có chăng là những lần tôi thấy xe ông vụt qua trên phố với người vợ hai luôn đeo kính râm và khoanh tay trước ngực.
Tôi cảm thấy khâm phục mẹ mình khi dám mua một chỗ ở ngay gần ngôi nhà nơi chồng cũ và nhân tình đang sống một cuộc đời không thể viên mãn hơn. Tôi không mạnh mẽ được như thế. Chỉ cần nhìn người yêu cũ đăng ảnh với người yêu mới, toàn thân thôi đã run lên bần bật vì uất hận.
Mẹ tôi hay nói: “Khi đã chết trong lòng rồi thì sẽ không biết đau nữa, con còn đau, tức là con còn sống”.
Tôi hỏi mẹ có ghét bố không. Mẹ tôi nói có. Mẹ muốn cả đám người họ biến mất. Nhưng nếu họ không biến mất mà ngược lại, sống càng ngày càng tốt, thì cũng chẳng có gì đáng để oán trách ông trời. Tôi hỏi mẹ có ghét ông bà và cậu mợ tôi không. Mẹ bảo họ không xấu, chỉ là càng tiếp xúc càng tồi tệ hơn thôi. Tốt nhất không nên giao du.
Cậu tôi liên tục gọi điện cho mẹ, bắt mẹ về xin lỗi ông bà. Mẹ bảo mẹ chẳng có lỗi gì cả.
- Bố không gọi được cho chị. Chị về đi không bố nói em chẳng ra gì cả.
- Bố nói mà không chịu được, thế cũng đòi làm sếp? Bảo sao may cứ phải vay mượn những kẻ chẳng ra gì.
- Chị làm như thế là chị bất hiếu.
- Sống bám vào người khác để rồi hùa theo những cái sai của họ là bất nhân. Mày ngầy này tuổi rồi còn xin tiền của bố mẹ, rồi cái gì cũng phải gật đầu, không phân biệt được phải trái đúng sai. Đừng nói nữa!
Và thế là mẹ cắt liên lạc cả với cậu. Dần dà, ngoài cô Nhàn ra, mẹ cũng chẳng giao thiệp với ai.
Mẹ hay nói với tôi: “Không cần nhiều mối quan hệ, chỉ cần những người sống với mình thật tâm”.
“Mày nhìn bố mày xem, một tuần tụ tập ăn uống, họp hành gia đình, gặp mặt họ hàng bao nhiêu lần…
… Có bao nhiêu người trong số họ thật sự tới căn nhà đó, không phải vì tiền của bố mày?”
“Có bao nhiêu người trong số họ thực sự ưa bố mày, khi bố mày tay trắng”.
Mẹ vốn không thích gặp mặt họ hàng vì với mẹ, họ toàn những người gàn dở, ngu ngốc, hám danh, tham tiền.
Cậu tôi thì khác, bản thân không uống được nhiều nhưng cỗ bàn nào cũng đi cầm chén rượu lê la khắp các bàn, làm quen với những người cậu còn chẳng rõ là có mối liên hệ nào với gia đình mình, giới thiệu tên tuổi, giới thiệu công việc kinh doanh của cậu, cốt chỉ để tìm những nhà đầu tư tiềm năng cho những dự án hão huyền của cậu”.
Ông bà tôi thì lại đặc biệt đánh giá cao cái sư quảng giao vô bổ đó và lúc nào cũng tự hào về đứa con trai nhanh mồm nhanh miệng được các bô lão trong dòng họ khen ngợi hết lời. Còn mẹ tôi chỉ là cái thứ đầu to mắt cận, vô tích sự.
Trong thế giới quan của người già, không làm nhà nước thì phải kinh doanh, bất kì cái gì không phải nhà nước, không phải kinh doanh, đều là vô tích sự. Mẹ tôi không sợ bị mang tiếng bất hiếu, bà quyết không cho tôi tiếp xúc với bên ngoại. Mẹ bảo: “Họ là những người gặp một hai lần thì được, nghe họ nói, bắt chước họ, sẽ hỏng một đời, nhìn cậu mày xem”.
Năm 30 tuổi, tôi kết hôn. Mẹ bảo tôi hãy gọi điện cho bố. Tôi nhất quyết không. Mẹ bảo không việc gì phải ghét bố cả. Nếu mẹ cũng dành thời gian để ghét bố, có lẽ bây giờ hai mẹ con tôi vẫn đang ngủ lang ở ga Long Biên.
Hay lần tôi vì chia tay với người yêu đầu mà trượt mất nguyện vọng một đại học. Vì uất hận anh ta mà từ chối một công việc rất tốt, chỉ để ở lại công ty cũ, hàng ngày lườm nguýt anh ta và người tình, trong thang máy.
Mẹ tôi nói: “Sân hận sẽ bòn rút con người ta, khiến họ không còn thời gian và năng lượng làm bất cứ việc gì khác”.
Hôm đó, mẹ dặn tôi đi ngủ sớm để mai còn dậy make up.
Tự tay mẹ tôi viết thiệp: “Mời anh Thắng và gia đình”, tự tay mẹ tôi mang xuống dưới nhà. Tự tay mẹ bấm chuông cửa căn nhà mẹ đã từng là bà chủ.
Tôi không ngủ, mà lặng nhìn ra cửa sổ, theo dõi từng cử chỉ của mẹ. Nhân tình của bố vén rèm cửa một lát, nhìn ra ngoài, rồi bà ta bước thật nhanh ra ngoài, chỉ để đóng cửa nhà lại. Chắc chắn đã có một cuộc cãi vã nhỏ xảy ra trong căn nhà đó.
Vậy nên bố tôi mới phải đi ra bằng gara. Chiếc cửa cuốn lên, sau nhiều năm, bố mẹ tôi gặp lại nhau.
Không còn cãi vã, đánh đấm nữa. Bố tôi mở cổng, hai người chào hỏi rất bình thường. Mẹ đưa thiệp cho bố, nói gì đó rồi chỉ lên khung cửa sổ, nơi tôi đang đứng đó.
Khoảng cách không xa, cũng chẳng gần, chỉ đủ để tôi cảm nhận được mớ cảm xúc hỗn độn trong ánh mắt nửa vui nửa buồn của bố.
“Mời anh Thắng và gia đình…”
Câu chuyện trên đã nhận về hàng nghìn lượt thích cùng bao cảm xúc của người đọc. Có thể sẽ có người nói rằng người phụ nữ trong câu truyện trên quá mạnh mẽ và gai góc, nếu chỉ cần xuống nước mộ chút, xin lỗi bố mẹ thì trước sau gì họ cũng sẽ chấp nhận chứ không đến nỗi phải tuyệt giao như thế. Nhưng thực tế rằng, một người phụ nữ khi họ đã nhận quá nhiều tổn thương và lòng tin từ những người thân thương nhất họ sẽ trở nên bất cần và vô cùng gan lì trước giông bão cuộc đời.
Khi bên nhau chỉ là những tháng ngày cố gắng với những cảm xúc tạm bợ thì tại sao lựa chọn kết thúc lại là việc làm có lỗi? Ai cũng có quyền được sống hạnh phúc, nhất là trong tình yêu và hôn nhân. Câu chuyện dù chưa rõ thực hư, chưa phân đúng sai, nhưng đã khiến chúng ta có nhiều suy ngẫm, về hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc.
Theo Diệu Thùy/Saostar