Các cơn đói đêm thường đem lại cảm giác khó chịu vì ít khi chúng ta chịu đựng nổi cơn đói cồn cào này. Theo bản năng, chúng ta sẽ thường kiếm cái gì đó ăn tạm cho đỡ đói. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, ăn khuya là thói quen gây ra những vấn đề sức khỏe phổ biến và nguy hiểm sau đây.
1. Gây tăng cân, béo phì
Đây chắc chắn là nguy cơ hàng đầu của những người thường xuyên ăn đêm. Bởi thức ăn nạp vào cơ thể lúc khuya sẽ không được tiêu thụ ngay mà tích tụ lại trong cơ thể. Nếu ăn xong mà đi ngủ liền thì cân nặng của bạn sẽ nảy số nhanh hơn rất nhiều đấy.
|
Các chuyên gia cũng khuyên bạn tốt nhất là không nên ăn khuya. |
2. Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon
Ăn khuya có thể làm rối loạn giấc ngủ do rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể. Về mặt sinh học, con người thường trở nên chậm chạp khi hoàng hôn buông xuống. Nếu tỉnh dậy vào đêm để ăn, dạ dày sẽ phải tăng cường hoạt động nhằm tiêu hóa thức ăn, khiến cơ thể khó ngủ lại dẫn đến thiếu ngủ.
Thiếu ngủ lại làm gia tăng cortisol và dẫn đến tăng cân, đặc biệt là phần bụng. Nếu quá đói vào ban đêm, bạn có thể ăn một món gì đó nhẹ nhàng, dễ tiêu như yến mạch, sữa tách béo,…Không nên ăn đồ cay nóng, đồ nhiều đạm, chất kích thích…vì chúng sẽ khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
3. Làm axit dạ dày bị trào ngược
Sau khi ăn chúng ta sẽ có xu hướng nằm xuống ngủ ngay tức khắc. Nhưng điều này lại khiến axit dạ dày đi tới thực quản và dẫn tới đau tức ngực. Nếu hiện tượng trào ngược axit tiếp diễn nhiều lần sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy chúng ta không nên ăn đêm bằng thực phẩm chua và chứa nhiều chất béo.
4. Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ ung thư ruột kết
Ăn vào ban đêm khiến hệ tiêu hóa phải tăng cường hoạt động tiêu hóa thức ăn khiến chúng ta bị khó tiêu. Thức ăn bám lại lâu trong ruột còn thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư ruột kết.
5. Tiểu đường và bệnh tim mạch có thể ghé thăm
Các nhà khoa học thuộc Đại học National Autonomous ở Mexico cho biết, thói quen ăn đêm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch do đồng hồ sinh học của cơ thể bị phá vỡ đồng thời làm tăng mức độ mỡ trong máu. Bởi ăn khuya thường xuyên khiến hàm lượng insulin bị giảm, làm đường trong máu khó kiểm soát hơn.
6. Suy nhược thần kinh, trí nhớ giảm sút
Ăn khuya làm cơ thể phải tập trung tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất cả đêm, đo đó không có thời gian để hồi phục não bộ và các cơ quan khác. Đó là lý do vì sao bạn hay có cảm giác mệt mỏi khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Ăm đêm quá no còn gây áp lực lên hoạt động của cơ quan xung quanh dạ dày, khiến việc truyền thông tin đến não kém, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, lâu ngày làm suy nhược thần kinh.
7. Nguy cơ đột quỵ
Các nhà nghiên cứu tham dự cuộc họp thường niên của Hiệp hội châu Âu năm 2011 chỉ ra rằng, triệu chứng ợ nóng và trào ngược axit có thể gây chứng ngưng thở khi ngủ, vấn đề lớn có thể gây ra đột quỵ. Ăn tối muộn cũng làm huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol bị ảnh hưởng.
Vì những lý do trên, các chuyên gia cũng khuyên bạn tốt nhất là không nên ăn khuya. Nếu đói thì nên ăn trước giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng để tránh các tác hại của thói quen này.
Những cách giúp bạn từ bỏ thói quen ăn khuya hiệu quả:
-Thiết lập chế độ ăn cần bằng giữa 3 bữa theo tỉ lệ sáng-trưa-tối là 30%, 40%, 30%. Cách này sẽ giảm thiểu tối đa các cơn đói cồn cào đến bất ngờ vào ban đêm.
- Khi cảm thấy muốn ăn đêm, hãy uống nước ấm để làm dịu cảm giác thèm ăn.
- Không nên mua thức ăn nhanh dự trữ và để gần khu vực chúng ta nằm ngủ.
- Tự động viên nhắc nhở bản thân để từ bỏ thói quen ăn khuya.
- Đánh răng cũng là một phương pháp được nhiều người áp dụng để từ bỏ thói quen ăn khuya thành công.
Theo VTC