|
Ung thư gan là bệnh ung thư nguy hiểm số 1 |
Khám bệnh tình cờ phát hiện ung thư
Anh Đỗ Văn T. 28 tuổi, Hà Nội khỏe mạnh, bình thường và anh chưa bao giờ đi khám sức khỏe tổng quát. Trong một dịp đưa mẹ đi khám bệnh gan do mẹ anh có tiền sử viêm gan. Khi nghe bác sĩ khám và tư vấn, anh T. cũng muốn khám thử xem tình trạng sức khỏe của mình ra sao.
Bác sĩ đã siêu âm ổ bụng cho anh T. và phát hiện có một khối u lớn, buộc phải tiến hành sinh thiết. Kết quả chẩn đoán cuối cùng cho thấy, anh đã mắc phải bệnh ung thư gan. Vì khối u quá to, chiếm phần lớn diện tích gan nên không thể phẫu thuật cho bệnh nhân và bác sĩ buộc phải chỉ định dùng thuốc để hạn chế sự phát triển của khối u và kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Mẹ anh T. bị viêm gan siêu vi B và khi sinh anh ra đã truyền bệnh cho con trai mình. Trước đây, anh T. cũng bị đợt siêu vi rút viêm gan B hoạt động và phải sử dụng thuốc kháng vi rút nhưng không điều trị triệt để. Anh T. kể vì trước đó cũng khám và thấy bệnh không còn vi rút hoạt động nên nghĩ khỏi hoàn toàn.
Khi bác sĩ nói đây là nguyên nhân dẫn tới xơ gan và ung thư gan khiến anh T. vô cùng lo lắng.
Không riêng gì trường hợp của anh T., Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng từng tiếp nhận cháu bé chưa đến 10 tuổi bị ung thư gan mà nguyên nhân cháu mắc viêm gan vi rút B sơ sinh do lây nhiễm từ mẹ qua cuộc sinh nở. Mẹ của cháu bé bị viêm gan B và hàng năm hai mẹ con cháu vẫn chủ động đi khám sức khỏe và bệnh viêm gan mãn tính của mình.
Tuy nhiên, đến đợt kiểm tra này, bác sĩ phát hiện trong gan có u. Các bác sĩ tiến hành sinh thiết chẩn đoán ung thư gan nguyên phát. Cháu bé may mắn được mẹ đưa đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên nên phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm.
Trước đó, TS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn T. 43 tuổi, giáo viên tại tỉnh Đồng Nai, đến viện khám vì bị sốt cao. Các bác sĩ phát hiện có khối u ở gan kích thước 4,5 cm.
Điều đáng nói là em trai và mẹ của anh T. đã mất vì ung thư gan. Hiện tại, anh T cũng ung thư gan, người anh trai của anh lại đang phải điều trị bệnh viêm gan.
Anh T. cho rằng mình bị lây viêm gan siêu vi B từ mẹ và đây chính là thủ phạm do vi rút viêm gan B đã mắc từ mẹ lúc sinh đẻ.
Bác sĩ Long cho biết trường hợp của anh T. không phải là hiếm gặp mà các bác sĩ đã gặp nhiều. Ngay cả đồng nghiệp của bác sĩ Long làm bác sĩ công tác ở bệnh viện khác, mấy anh em cũng đều bị ung thư gan cả. Thậm chí, có gia đình 5 người đều mất vì ung thư gan. Các bệnh nhân đều mất ở tuổi rất trẻ, từ 30- 40 tuổi.
Ung thư gan là một bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh thường âm thầm và không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh hoàn toàn không biết gì cho đến khi tình cờ phát hiện ra khi đi siêu âm. Kết quả này là một cú sốc đối với nhiều bệnh nhân khi họ hoàn toàn khỏe mạnh.
Viêm gan B, C có thể dẫn tới ung thư
Hiện nay, các chuyên gia khẳng định, viêm gan siêu vi B, C là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân mắc ung thư gan đều có tiền sử mắc viêm gan siêu vi B,C, trong đó 50 đến 55% do virus HBV (gây viêm gan siêu vi B) và 25 đến 30% do HCV (gây viêm gan siêu vi C).
Viêm gan siêu vi B và C còn có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau như đường máu, mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục.
Các chuyên gia khuyên rằng, cần phải đi khám sức khỏe định kỳ để biết được những bất thường về tình trạng sức khỏe. Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh lại càng phải chú trọng tới việc khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, bạn nên có một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên vận động để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, trong đó có ung thư gan.
Theo K. Chi/Infonet