|
Viêm nang lông nhẹ thường có cảm giác khó chịu, ngứa và xuất hiện một vài vết loét. Ảnh: Marthastewart.
|
Theo Insider, chúng ta có hơn một triệu nang tóc trên đầu. Nang tóc có cấu trúc giống như những chiếc ống mỏng giúp tóc phát triển. Nếu chúng bị viêm hoặc nhiễm trùng, da đầu có thể phát ban ngứa và khó chịu. Các triệu chứng này được gọi là viêm nang lông da đầu.
Viêm nang lông là bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có lông trên cơ thể, không chỉ riêng da đầu. Ví dụ, cạo râu thường gây viêm nang lông trên mặt hoặc chân.
Nhiều trường hợp viêm nang lông ở da đầu nhẹ sẽ tự khỏi khi chăm sóc tại nhà. Nhưng viêm nang lông mức độ trung bình đến nặng mà không được điều trị sẽ dẫn đến sẹo hoặc rụng tóc vĩnh viễn.
Triệu chứng
Nếu mắc bệnh này, da đầu thường xuất hiện những vết loét nhỏ, ngứa ở chân tóc phía trước. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các vết loét sẽ trải rộng ở một vùng lớn trên da đầu.
Những vết loét này giống như mụn trứng cá và có thể khiến người bệnh cảm giác ngứa, rát, đau da đầu. Ngoài ra, mụn mủ sẽ mọc lên và vỡ ra khi da đóng vảy.
Trong trường hợp viêm nang lông nhẹ, bạn sẽ cảm giác khó chịu, ngứa và xuất hiện một vài vết loét. Viêm nang lông từ trung bình đến nặng gây ra các vết loét đau đớn hơn và có thể lan ra khắp da đầu.
Tiến sĩ Alpana Mohta, bác sĩ da liễu, cố vấn y tế của Better Goods, cho biết nếu được điều trị đúng cách, hầu hết trường hợp viêm nang lông sẽ khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Tuy nhiên, các triệu chứng có thể tồn tại trong vài tháng hoặc lâu hơn nếu bạn không điều trị nguyên nhân nền.
Nguyên nhân
Vi khuẩn, đặc biệt là Staphylococcus aureus, gây ra hầu hết trường hợp viêm nang lông da đầu. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gồm nấm hay virus như herpes.
|
Khi bị viêm nang lông da đầu, bạn nên sử dụng dầu gội và dầu xả dành cho da nhạy cảm để tránh gây kích ứng. Ảnh: Shutterstock.
|
Tiến sĩ Mohta cho hay một số thói quen sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm nang lông da đầu:
- Thường xuyên đội mũ, băng đô hoặc mũ bảo hiểm khít chặt da đầu.
- Không gội đầu và rửa mặt.
- Làm các kiểu tóc như tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím chặt.
- Đổ quá nhiều mồ hôi.
- Dành nhiều thời gian trong môi trường nóng hoặc ẩm ướt như bồn tắm nước nóng hay phòng xông hơi khô.
- Các bệnh tiềm ẩn như bệnh tiểu đường hoặc rối loạn suy giảm miễn dịch.
- Uống thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
Cách điều trị
Theo Tiến sĩ Alain Michon, Giám đốc y tế tại Ottawa Skin Clinic, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp các dấu hiệu như vết loét trên da đầu bị đổi màu, đầy mủ và gây đau; bị sốt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sưng hoặc nóng da.
“Thông thường, bệnh viêm nang lông ở da đầu có thể được xác định đơn giản thông qua các dấu hiệu và triệu chứng nhìn thấy được”, tiến sĩ Michon nói.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân nhiễm trùng hoặc loại trừ các khả năng khác.
Viêm nang lông nhẹ thường sẽ tự khỏi hoặc khỏi sau vài ngày điều trị tại nhà và dùng thuốc không kê đơn. Đối với trường hợp này, tiến sĩ Michon khuyến cáo bạn nên sử dụng dầu gội và dầu xả dành cho da nhạy cảm để tránh gây kích ứng thêm cho da đầu.
Gội đầu bằng nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn hoặc mảnh vụn có thể gây kích ứng da đầu. Ngoài ra, bạn có thể thoa kem chống ngứa không kê đơn để giảm ngứa và giảm viêm hoặc chườm khăn ấm lên vùng da đầu bị sưng viêm.
Trái lại, nếu bị viêm nang lông từ trung bình đến nặng, tiến sĩ Michon khuyên bạn nên điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa sẹo và rụng tóc.
Điều trị viêm nang lông da đầu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nền, nhưng bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, dầu gội thuốc, thuốc kháng virus hay thuốc chống ký sinh trùng.
Để phòng ngừa bệnh viêm nang lông da đầu tái phát, bạn nên gội đầu và rửa mặt thường xuyên, đồng thời nới lỏng những vật đội trên đầu như mũ hoặc băng đô. Ngoài ra, bạn cần tránh tắm trong bồn nước nóng hay hồ bơi, hoặc chọn những nơi sạch sẽ để bơi và tắm bằng xà phòng cũng như gội đầu lại sau đó.
Theo Nam Giao/Zing