Sốc nhiệt chủ yếu xảy ra vào mùa hè nhiệt độ ngoài trời cao. Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Vì thế, để phòng tránh sốc nhiệt vì nắng nóng mùa hè ngoài việc đội mũ che chắn kĩ khi ra ngoài thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Hãy nhớ nguyên tắc khi ra ngoài vào mùa hè nắng nóng, bạn luôn phải mang theo nước bên mình để bù nước liên tục và ghi nhớ đừng để khi cảm thấy khát mới uống.
|
Để tránh sốc nhiệt giữa mùa hè nắng nóng, bạn luôn phải mang theo nước bên mình để bù nước liên tục. |
Trong thời tiết nắng nóng này, với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng tuốt mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.
Cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Vào những ngày nắng nóng, chúng ta cần tăng cường nghỉ ngơi thường xuyên hơn. Không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV có hại cho da và mắt.
Ngoài ra, bạn cần tránh xa cà phê và rượu bởi hai thứ này đều khiến cơ thể bị mất nước và có thể gây kiệt sức do nhiệt.
Theo Tổ chức St John Ambulance - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên truyền thông về sơ cứu ở nhiều nước, nếu một người nào đó bị sốc nhiệt, họ nên được đưa đến một nơi mát hơn, cởi bớt quần áo ra cho thoáng mát, cung cấp nước hoặc chất lỏng cung cấp khoáng chất để bù mất nước và làm mát cơ thể cho đến khi nhiệt độ cơ thể trở về nhiệt độ bình thường.
Sau đó, chúng ta kiểm tra lại mức độ phản ứng của người bị sốc nhiệt xem họ có giảm không và quan trọng nhất hãy nhớ gọi cấp cứu để đưa họ vào bệnh viện điều trị kịp thời.
Thảo Nguyên (Theo THS, DM)