Thiếu máu thường gặp trong điều trị
Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng của các tế bào hồng cầu (TBHC). Hầu hết các liệu pháp điều trị ung thư đều phá hủy các tế bào tăng trưởng nhanh. Các tế bào hồng cầu tăng trưởng với tốc độ nhanh và do đó thường bị ảnh hưởng. Một phần quan trọng của TBHC là huyết sắc tố. Chúng là protein vận chuyển oxy khắp cơ thể. Khi huyết sắc tố thấp thì nồng độ oxy sẽ giảm đi. Cơ thể phải làm việc vất vả hơn để tự bù lại. Cuối cùng cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi.
Nồng độ huyết sắc tố bình thường ở phụ nữ thường nằm trong khoảng 12 -16 gm/dL; đối với nam, nồng độ bình thường từ 14 -18 gm/dL. Trong quá trình điều trị ung thư, nồng độ huyết sắc tố có thể giảm thấp hơn mức bình thường. Nồng độ huyết sắc tố của người bệnh sẽ được kiểm tra trong suốt quá trình điều trị. Bất kỳ lúc nào nồng độ huyết sắc tố giảm thấp dưới 10.0 gm/dL sẽ được coi là thiếu máu.
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu bao gồm:
· Suy nhược hoặc mệt mỏi.
· Hoa mắt chóng mặt.
· Đau đầu.
· Thở nông hoặc khó thở.
· Đánh trống ngực hoặc nhịp tim nhanh.
· Da nhợt nhạt.
· Cảm giác lạnh, đặc biệt là bàn tay và bàn chân.
Làm gì để phòng ngừa thiếu máu?
Không có phương pháp đặc hiệu nào để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. Thiếu máu có thể là nguyên nhân dẫn đến cảm giác suy nhược và mệt mỏi. Đây là một vài phương pháp giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn:
Tiết kiệm năng lượng: Ngủ nhiều; Tránh các hoạt động kéo dài và gắng sức; Tự điều tiết mức độ hoạt động: nghỉ ngơi trong khi hoạt động nếu cảm thấy mệt mỏi. Ngủ ngắn khi cần thiết; Sắp xếp ưu tiên các hoạt động để có đủ năng lượng cho những hoạt động quan trọng hoặc những hoạt động mà bản thân yêu thích nhất; Đề nghị bạn bè và người thân giúp chuẩn bị các bữa ăn hoặc làm việc nhà khi mệt mỏi.
Tránh chấn thương: Hãy thay đổi các tư thế một cách từ từ, đặc biệt khi đang nằm chuyển sang đứng dậy để tránh bị hoa mắt chóng mặt; Khi ra khỏi giường, hãy ngồi ở mép giường một vài phút trước khi đứng dậy.
Cách khắc phục thiếu máu khi điều trị ung thư cho sức khỏe tốt.
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
- Ăn các loại thực phẩm giàu sắt, bao gồm các loại rau có lá màu xanh đậm, gan, thịt đỏ nấu chín.
- Uống nhiều các loại nước (ví dụ: nước canh, nước hoa quả).
- Tránh dùng caffeine và ăn quá no vào cuối ngày nếu quý vị khó ngủ vào ban đêm.
- Chỉ uống bổ sung thêm sắt khi bác sỹ yêu cầu.
Khi nào nên gọi cho bác sĩ
Hãy gọi cho bác sỹ ngay nếu quý vị có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Hoa mắt chóng mặt.
- Thở nông hoặc khó thở.
- Suy nhược hoặc mệt mỏi quá mức.
- Đánh trống ngực hoặc đau ngực.
Điều trị thiếu máu như thế nào?
Có nhiều cách để điều trị thiếu máu. Bác sĩ có thể cho người bệnh uống viên sắt hàng ngày hoặc chỉ định truyền máu. Ở một số bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm yếu tố tăng trưởng, để kích thích sự tăng trưởng của các tế bào hồng cầu. Bằng cách tăng sản xuất các tế bào hồng cầu của cơ thể, yếu tố tăng trưởng này giúp làm giảm nguy cơ thiếu máu, và cũng làm giảm số lần truyền máu trong quá trình điều trị.
Yếu tố tăng trưởng được dùng theo đường tiêm. Người bệnh có thể được tiêm bởi điều dưỡng chuyên khoa ung bướu, hoặc người bệnh hay người thân trong gia đình có thể được dạy cách tiêm tại nhà. Việc tiêm thuốc sẽ chấm dứt ngay sau khi số lượng tế bào hồng cầu trở về mức bình thường.
Trong một vài trường hợp, bác sỹ có thể quyết định trì hoãn điều trị ung thư cho đến khi số lượng tế bào hồng cầu của người bệnh trở về mức bình thường.
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hợi (Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội)
Cử Nhân Điều Dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hợi