|
Ảnh minh họa. |
Viêm loét cổ tử cung là nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới, tỷ lệ gặp khoảng 80% trong các bệnh phụ khoa, gặp phổ biến trong độ tuổi tình dục. Nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực sẽ khỏi hẳn, tránh được những biến chứng như ung thư cổ tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng…
Trong y học cổ truyền, viêm loét cổ tử cung được mô tả trong chứng âm sang, nguyên nhân do can khí uất kết, do tỳ hư hoặc do ngoại nhân gây nên thấp nhiệt hạ tiêu, thường do nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sau thủ thuật nạo hút thai, đặt vòng, sau đẻ, sức đề kháng giảm, bệnh toàn thân. Thiếu vệ sinh khi giao hợp, khi hành kinh. Thấp lâu ngày sinh loét, loét lâu sinh nhiễm khuẩn...
Bệnh được điều trị đặt thuốc tại chỗ chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1, giảm tiết dịch và dọn sạch tổn thương. Giai đoạn này đặt bột khứ hủ (khứ là bỏ, hủ là chất bẩn hôi) thành phần gồm: Lá mỏ quạ, lá móng tay 20g, ngũ bội tử, bằng sa 10g, bạch cập, phèn phi 12g.
Giai đoạn 2: Chống viêm khi mặt vết loét chỉ còn viêm đỏ. Đặt bột tiêu viêm: Lá móng tay, hoàng bá, hoàng đằng.
Giai đoạn 3: Tái tạo tổ chức, đặt bột sinh cơ gồm nghệ vàng, mẫu lệ, hoàng bá, ngũ bội tử, lô cam thạch.
Lưu ý: Thuốc đặt được làm dưới dạng bột, đảm bảo độ pH của âm đạo (4,5). Mỗi ngày đặt 10g liên tục hoặc cách ngày. Thuốc đặt phụ thuộc vào tổn thương, không nhất thiết phải qua 3 giai đoạn. Khi có hành kinh không được đặt thuốc. Ngoài thuốc đặt, có thể dùng thuốc uống trong tuỳ vào tổn thương.
ThS Đỗ Việt Hương (Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh)