Dạo chợ, bạn có thể dễ dàng tìm được măng tươi quanh năm. Nhưng những búp măng xanh rờn, tròn múp míp thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, khi đất đã trở nên mềm và ẩm.
Đa dạng các món ăn từ “tre non”
Các gia đình ở quê mỗi khi quét sân hay lá mục thường gom thành đống đổ vào bụi tre. Chính lớp rác hữu cơ ấy là chất dinh dưỡng nuôi cây, để mỗi khi mùa mưa đến, tre nhảy con, cho ra đời những búp non mướt mát. Nhưng không phải tre nào cũng sinh ra những búp măng to và ngon như nhau. Tre mạnh tông cho ra măng có lớp vỏ màu đen, tre mỡ hoặc tre tàu cho ra măng có lớp vỏ xanh mới có thể chế biến nên những món ăn ngon. Trong khi đó tre gai lại sinh ra những búp măng ốm, vỏ có nhiều lông và lõi có vị rất đắng.
Măng tươi vốn có vị đắng, ngọt hậu, lại thơm và giòn nên thường được dùng để chế biến nên nhiều món ăn ngon. Phổ biến và dễ nấu nhất có lẽ là các món hầm. Thông thường, các bà nội trợ hay chọn giò heo hoặc gà, vịt để hầm măng. Món hầm này đặc biệt hấp dẫn vì thịt đã thấm mùi thơm đặc trưng của măng, nuớc dùng lại có sự hòa lẫn giữa vị ngọt đậm đà từ thịt và vị đắng từ măng.
|
Gà ta hầm măng, một món canh ngon và bổ dưỡng. |
Ngoài ra, không thể không kể đến măng tươi dùng trong các món xào. Tùy sở thích của các thành viên trong gia đình mà chị em có thể xào măng với thịt bò, thịt heo hoặc tôm tươi. Ưu điểm của cách chế biến này là măng sau khi chín vẫn còn độ giòn và hậu ngọt. Danh sách các món ngon từ măng còn khá dài, chẳng hạn như lẩu đầu cá măng chua, xáo măng, măng muối tỏi ớt...
Mẹo nhỏ khử độc trong măng
Tuy vậy, trong măng chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Thế nhưng các bà nội trợ đừng quá lo lắng vì độc chất trong măng tươi sẽ bay hơi dễ dàng khi được nấu sôi.
|
Luộc nước sôi, rửa lại với nước lạnh để khử độc trong măng. |
Để loại bỏ những độc tố có trong măng, sau khi xắt lát mỏng nên đem luộc qua với nước sôi trong khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc không nên đậy nắp nồi, để các độc chất trong măng theo hơi nước sôi bay ra ngoài. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh. Cách làm này không những giúp khử hết độc tố trong măng mà còn làm giảm đáng kể vị đắng của măng. Dẫu vậy, cũng có một lưu ý nho nhỏ là với những món hầm hoặc lẩu, do thời gian nấu lâu nên đừng xắt măng quá mỏng, sau nhiều lần luộc sẽ làm măng mềm nhũn, mất đi cái giòn giòn, sần sật hấp dẫn.
Theo Phụ nữ Online