Trong khi biến chủng Omicron gây ra hàng triệu ca bệnh mỗi ngày, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu về di chứng hậu COVID-19 để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của nó.
Tình trạng di chứng hậu COVID-19, hay còn gọi là Long COVID, cũng nguy hiểm như khi mọi người mắc bệnh. Tuy nhiên, không may là nhiều người không nhận ra tác hại của Long COVID cho đến khi nó ảnh hưởng và làm trầm trọng tình trạng sức khỏe. Do đó, điều quan trọng là mọi người cần tìm hiểm về các triệu chứng hậu COVID-19 để có thể được hỗ trợ y tế kịp thời.
Các triệu chứng Long COVID phổ biến
Theo India Times, nói đơn giản, nếu một người gặp các tác động từ nhẹ đến nặng hậu COVID-19, nó được gọi là Long COVID.
"Long COVID thường được chẩn đoán nhiều tuần sau khi khỏi bệnh. Chúng xuất hiện khoảng 90 ngày sau khi các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng ban đầu biến mất", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.
Ghi nhận mức độ nghiêm trọng của các tác động lâu dài của virus, bà Van Kerkhove giải thích COVID-19 ảnh hưởng mọi cơ quan của cơ thể, nhưng không phải tất cả cùng một lúc, và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau.
|
Nhiều người bệnh vẫn gặp phải các di chứng kéo dài sau thời gian dài khỏi COVID-19. Ảnh: Indiatimes.
|
Theo Mayo Clinic, những người lớn tuổi, người có tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hoặc bệnh đi kèm có nhiều khả năng gặp phải di chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên, họ không phải là trường hợp duy nhất vì những người trẻ tuổi và khỏe mạnh vẫn có thể gặp tình trạng này một thời gian dài sau lần nhiễm virus đầu tiên.
Một số triệu chứng Long COVID phổ biến nhất tương tự những gì bệnh nhân gặp phải khi mắc bệnh, bao gồm khó thở, mệt mỏi, ho, đau nhức cơ thể và mất vị giác hoặc khứu giác. Ở nhiều trường hợp, các di chứng kéo dài chỉ bắt đầu phát triển sau khi đã khỏi bệnh.
Các dấu hiệu đáng chú ý
Khi nói về COVID-19, nhiều người cho rằng đó là bệnh về đường hô hấp. Nhưng thực tế, đây là bệnh ảnh hưởng toàn cơ thể.
Tiến sĩ Abdi Mahamud, Giám đốc quản lý sự cố của WHO, cho biết chúng ta đã thấy nguy cơ và biến chứng từ COVID-19 không giống tác nhân gây bệnh đường hô hấp. “Tất nhiên, đó là cách xâm nhập, thật sự nó ảnh hưởng lâu dài đến mọi bộ phận của cơ thể”, ông Mahamud nhận định.
Tổn thương dây thần kinh
Các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa Long COVID và tổn thương thần kinh. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Massachusetts và Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) đã đưa ra bằng chứng về bệnh thần kinh ngoại vi hậu COVID-19. Các triệu chứng chủ yếu của tình trạng này là yếu, đau ở bàn tay và bàn chân, mệt mỏi.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy một số bệnh nhân COVID-19 lâu đã bị tổn thương các sợi thần kinh ngoại vi và tổn thương tế bào thần kinh dạng sợi nhỏ có thể nổi bật”, tác giả chính Anne Louise Oaklander, điều tra viên tại khoa Thần kinh tại Bệnh viện Đại học Massachusetts, chia sẻ.
Về tác động của tình trạng này, nhà nghiên cứu cho biết điều đang xảy ra ở đây là các dây thần kinh điều khiển hơi thở, mạch máu và tiêu hóa của con người bị tổn thương ở những bệnh nhân gặp di chứng hậu COVID-19.
Trầm cảm
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là đối phó với bệnh trầm cảm trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong khi nhiều người cho rằng việc cách ly trong đại dịch là nguyên nhân làm gia tăng trường hợp trầm cảm, các chuyên gia cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng này và Long COVID.
"Những người đã mắc COVID-19 có dễ dẫn đến lo lắng cao gấp 3 lần, và gần gấp đôi khả năng bị trầm cảm, đặc biệt tăng gấp 2,6 lần có cả hai tình trạng này, so với những người chưa bao giờ mắc COVID-19", nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Journal of Internal Medicine cho biết.
|
Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên kết giữa trầm cảm và di chứng hậu COVID-19. Ảnh: Scientificamerican.
|
Sương mù não
Gặp khó khăn trong việc tập trung sau khi hồi phục COVID-19 là một trong những triệu chứng phổ biến. Các chuyên gia cho biết những triệu chứng Long COVID có thể bao gồm mất chú ý, rối loạn nhận thức, mệt mỏi, rối loạn hành vi và các triệu chứng thần kinh khác.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho biết COVID-19 có thể gây tổn thương não trực tiếp do viêm não, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hoặc phức tạp. Nghiên cứu cũng phát hiện nhiều người có mức độ suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Vấn đề thần kinh này gặp ở gần 25% số người sau khi hồi phục COVID-19.
Cảm giác ngứa ran trong cơ thể
Cảm giác châm chích xảy ra khi bạn ngồi lâu là điều mà nhiều người gặp phải sau khi khỏi COVID-19. Cảm giác ngứa ran này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng hoạt động bình thường của người bệnh.
"Tê hoặc ngứa ran mạn tính có thể là triệu chứng của bất kỳ chứng rối loạn nào: Đột quỵ, khối u, bệnh đa xơ cứng và một số bệnh khác. COVID-19 cũng có thể gây tê và ngứa ran ở một số người. Rất khó để dự đoán ai có thể bị di chứng này sau khi khỏi COVID-19”, báo cáo của Đại học Michigan cho biết.
Các vấn đề về tim
COVID-19 ảnh hưởng nhiều cơ quan và tác động gây chết người của nó chủ yếu được nhìn thấy ở tim. “COVID-19 là cơn bão hoàn hảo cho tim”, Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF) đã báo cáo từ thời điểm đầu của đại dịch.
Nhiều bệnh nhân cũng phàn nàn về các vấn đề tim sau khi hồi phục sau COVID-19. Một nghiên cứu năm 2021 phát hiện một tuần sau khi chẩn đoán COVID-19, nguy cơ bị đau tim đầu tiên tăng từ 3 đến 8 lần. Nghiên cứu tham khảo dữ liệu trên 87.000 người, trong đó 57% là phụ nữ, cho thấy trong những tuần tiếp theo, nguy cơ đông máu và đau tim giảm nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong ít nhất một tháng.
Nhiều nghiên cứu cũng liên kết COVID-19 với các vấn đề liên quan tim như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
Theo Phương Mai/Zing