Bộ Y tế thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa Nhật Bản

Google News

Chiều 5/1, Bộ Y tế đã thông tin liên quan đến đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản cũng như tại một số khu vực trên thế giới.

Theo dữ liệu công bố ngày 31/1/2025 của Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025) tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa, trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 đã ghi nhận hơn 317 nghìn trường hợp.
Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
Trước đó, ngày 7/1/2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin, tại nhiều quốc gia ở bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.
Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.
Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A/H1N1 pdm09), phù hợp với xu hướng điển hình trong thời điểm cuối năm.
Bo Y te thong tin ve dot bung phat dich cum mua Nhat Ban
 Nhiều bệnh nhân mắc cúm nặng nhập viện. (Ảnh: BS/baotintuc)
Với điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Bộ Y tế sẽ theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp, kịp thời.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Ngoài ra, người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Cùng với đó, tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Chia sẻ với báo Tin Tức, ThS. BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng nhấn mạnh: Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.
Theo đó, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ cũng lưu ý, đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý nền cần tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Bệnh nhân cũng cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Bình Nguyên (tổng hợp)