Bộ Y tế: Nguy cơ lây lan ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron ra cộng đồng rất lớn

Google News

Theo Bộ Y tế, thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng rất lớn.

Bộ Y tế đã có công điện gửi Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trước biến chủng Omicron.
Truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 liên quan đến ca COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron
Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến chủng mới Omiron, đến nay biến chủng này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại 3 khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung đều là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời.
Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Bo Y te: Nguy co lay lan ca mac COVID-19 nhiem bien chung Omicron ra cong dong rat lon
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định. Ảnh minh hoạ
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh; Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống biến chủng Omicron; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.
Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biển chủng Omicron đến để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khăng định.
Bộ Y tế yêu cầu khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian
Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế lưu ý phải điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; rà soát, tiêm vét cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao, người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Theo Thái Bình / Sức khỏe & Đời sống