Bộ Y tế: "Dịch COVID-19 đang được kiểm soát dù ca mắc tăng"

Google News

Chiều 13/4, Bộ Y tế thông tin về tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm liên tục tăng trong nhiều ngày qua.

Bo Y te:

Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có xu hướng tăng cao từ đầu tháng 4 đến nay. Ảnh: Duy Hiệu.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là SARS-CoV-2, thứ 2 là môi trường sống, hành vi của người dân và thứ 3 là các biện pháp đáp ứng.

Với SARS-CoV-2, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế trên thế giới. Thống kê cho thấy chúng có thể tạo ra trên 500 biến thể phụ. Bên cạnh đó, biến chủng này lây lan nhanh. Việt Nam đã mở cửa, giao lưu đi lại nhiều dẫn tới lây lan nhanh.

Về vaccine, 90% người mắc đã có miễn dịch, miễn dịch này là vaccine hoặc mắc phải. Chính yếu tố này làm cho các trường hợp khi mắc có biểu hiện nhẹ hơn, ít có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Những đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai... có nguy cơ cao hơn, dễ dẫn đến nặng, nhập viện và thậm chí là vấn đề tử vong.

Với liều cơ bản, chúng ta bảo phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.

Với môi trường sống, nước ta đã được nới lỏng, việc giao lưu đi lại sau 3 năm dịch gia tăng mạnh. Người dân cũng được phòng bệnh từ hiệu quả của vaccine nên dễ chủ quan, không tuân thủ các biện pháp như khẩu trang, khử khuẩn. Chính các yếu tố đó làm tăng sự lây nhiễm.

"Tỷ lệ nặng trên tổng số ca mắc không gia tăng. Tại Việt Nam, từ ngày 1/4 đến nay, tỷ lệ nặng trên số ca mắc thấp hơn so với tháng 3 do đặc điểm giao mùa, có sự phát hiện tăng", PGS Lân nói.

Về các biện pháp phòng chống, đáp ứng, ông Lân cho hay trong thời gian tới, chúng ta phải theo dõi sát các số liệu. Đề nghị đối với các tỉnh, thành sẽ đẩy mạnh tăng cường rà soát các cấp độ dịch và phải công bố một cách rõ ràng cho người dân biết đến các biện pháp phòng, chống dịch.

"Chúng ta phải phát hiện sớm nhất, khoanh vùng linh hoạt nhất, không để ảnh hưởng đến các loại động kinh tế xã hội, tranh gây hoang mang cũng như chủ quan. Điều đó phụ thuộc lớn và các địa phương", ông Lân nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn tới hạn chế bệnh nhân nặng, tử vong và làm thế nào để không quá tải hệ thống y tế. Chúng ta phải giữ vững những điều đã làm được.

"Đánh giá chung tình hình thì số mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị", GS Lân nói.

Bo Y te:
 
Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có xu hướng tăng cao từ đầu tháng 4 đến nay. Theo biểu đồ thống kê ca mắc hàng ngày của Bộ Y tế, xu hướng tăng ca F0 gần như theo chiều thẳng đứng.

Trong 7 ngày qua (từ 5 đến 11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, tức trung bình phát hiện 90 ca F0 mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca, chiếm 30,2% tổng ca mắc.

Ngoài ra, số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số lượng bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình có 1-2 ca nặng mỗi ngày.

Trong chiều 12/4, Bộ Y tế phát đi văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố sẵn sàng ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh sau thời gian ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.

Lo ngại của Bộ Y tế là tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt độ bao phủ, trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm khác đang trong giai đoạn vào mùa, nguy cơ dịch chồng dịch cao.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là nhóm nguy cơ cao.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh việc truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe là điều cần thiết để ổn định tình hình dịch.

Đến hiện tại, WHO vẫn chưa hạ mức độ cảnh báo đối với COVID-19, tức cơ quan này vẫn đánh giá SARS-CoV-2 đang là virus gây tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khi số ca mắc vẫn cao và khiến khoảng 1.000 người tử vong mỗi ngày.

Theo Phương Anh-Bích Huệ/Zing