Thịt lợn là loại thịt đỏ phổ biến trên toàn thế giới. Đây là loại thực phẩm giàu protein và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Trước hết, thịt lợn là nguồn protein chất lượng cao. Nói cách khác, thịt lợn chứa đủ nồng độ của tất cả các axit amin thiết yếu. 100g thịt lợn chứa các axit amin với hàm lượng cụ thể là: histidin: 5.751mg; isoleucine: 6.189mg; leucine: 10.387mg; methionin: 3.469mg; phenylalanine: 5.122mg; threonine: 5.171mg; tryptophan: 1.212mg; lysin: 11.482mg.
Thịt lợn cũng là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thịt lợn đóng góp: 16% tổng số chất béo; từ 23-31% tổng lượng protein, selen và thiamin; 11-19% phốt pho, kali, riboflavin, nicacin, vitamin B6 và vitamin B12; 21% tổng lượng kẽm ăn vào.
Đặc biệt, thịt lợn là một trong những nguồn vitamin B chính. Vitamin nhóm B đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể con người giúp tạo hồng cầu; Có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một thai kỳ khỏe mạnh và sự phát triển tốt cho trẻ nhỏ; Duy trì chức năng nhận thức lành mạnh; Đóng một vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng; Điều chỉnh hệ thần kinh trung ương; Tổng hợp các axit béo. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin B có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và các loại rối loạn chức năng não khác nhau.
Không chỉ giàu dinh dưỡng, thịt lợn còn rất dễ ăn và tần suất ăn nhiều nhưng không chán so với các loại thịt khác. Thịt lợn lại dễ chế biến, chế biến được nhiều món ăn từ luộc, rang, chiên, nướng, kho… phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già, vì vậy thịt lợn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của từng người, từng gia đình.
Thông thường, khi mua thịt lợn, mọi người chỉ quan tâm đến các loại thịt vai, thịt ba chỉ, thịt mông, sườn non... mà ít ai biết có một bộ phận trên con lợn cực thơm ngon, không có mỡ, ăn giòn sần sật lại không hề dai, cũng không “bẩn” như một số nội tạng khác. Bộ phận này mỗi con lợn chỉ có duy nhất 1 chiếc nên thường hết sớm, nhiều người có tiền cũng không mua được.
Phần này chính là lưỡi lợn. Lưỡi lợn không chỉ ngon và thơm mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Thịt lưỡi rất giàu calo và axit béo, cũng như kẽm, sắt, choline và vitamin B12. Loại thịt này được coi là đặc biệt có lợi cho những người ốm yếu và phụ nữ đang mang thai.
Sách Dược tính chỉ nam cho biết “lưỡi lợn (trư thiệt) vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, tác dụng bổ tỳ vị, ích hư tổn, trợ ngũ tạng, khai vị giúp ăn ngon cơm”.
Tuy nhiên, lưỡi lợn chứa hàm lượng cholesterol cao nên bạn chú ý không ăn quá nhiều để tránh mắc các bệnh về tim mạch và bệnh gout. Người đang đau khớp do gout nên kiêng hoặc hạn chế ăn lưỡi lợn do đây là bộ phận bổ dưỡng giàu đạm.
Dưới đây là một số món ăn chế biến từ lưỡi lợn được lương y Nguyễn Văn Sáu chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống các bạn có thể tham khảo để làm phong phú thêm bữa cơm gia đình:
- Lưỡi lợn xào sả ớt: Món này có công dụng bổ hư kiện tỳ vị, dưỡng khí huyết… rất tốt cho trẻ em ăn kém còi cọc, người có tuổi mệt mỏi khó lên cân do thiếu đạm. Các nguyên liệu gồm lưỡi lợn, sả, ớt, rau mùi, hành lá, dầu ăn, tỏi, dấm, gia vị.
- Lagu lưỡi lợn: Món này có công dụng bổ tỳ vị, dưỡng khí huyết…, trị chứng tỳ vị hư tổn cơ nhục hao tổn, trẻ em người lớn khí huyết lưỡng hư, mệt mỏi. Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm lưỡi lợn, sả, ớt, rau mùi, hành lá, dầu ăn, tỏi, dấm, gia vị.
- Lưỡi lợn hầm đậu: Món này có công dụng bổ tỳ thận, dưỡng khí huyết… trị chứng khí huyết hư kém thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ù tai, đau lưng tiểu đêm khó ngủ, trẻ em phù do thiếu ngủ. Nguyên liệu gồm lưỡi lợn, đậu trắng, cà rốt, nước dừa, đường, mắm, hành khô, gia vị.
- Lưỡi lợn xào hành tây: Công dụng của món này là bổ tỳ vị hòa trung, dưỡng khí sinh huyết…, trị tâm tỳ tổn thương do lo nghĩ, mệt mỏi ăn ngủ kém, hay quên. Nguyên liệu gồm lưỡi lợn, cà chua, hành tây, dưa leo, đường, mắm, gia vị.
- Gỏi lưỡi lợn hoa chuối: Công dụng của món này là bổ tỳ vị, ích ngũ tạng bổ thông khí huyết… rất tốt cho trẻ em, người lớn, phụ nữ trước sau sinh, tỳ vị yếu, ăn uống chậm tiêu, bụng đầy, các chứng khí huyết hư, mệt mỏi do thiếu đạm. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm lưỡi lợn, hoa chuối, hành tây, cà rốt, đường, dấm, chanh, đậu phộng rang, gia vị.
- Lưỡi lợn nộm ngó sen: Món này có tác dụng kiện tỳ vị, ích ngũ tạng, dưỡng khí huyết…, trị chứng suy nhược ăn ngủ kém, khí huyết hư, đau đầu chóng mặt huyết áp thấp. Nguyên liệu gồm lưỡi lợn, ngó sen, hành tây, cà rốt, đậu phộng rang, tỏi, ớt, ngò rí, rau răm, chanh, gia vị.
- Cháo lưỡi lợn đậu xanh: Công dụng của món này là kiện tỳ vị dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng…, thích hợp cho người hay lo nghĩ tổn thương tâm tỳ, mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay quên. Các nguyên liệu gồm lưỡi lợn, gạo mới, đậu xanh, hành ngò, tiêu, gia vị.
- Nộm lưỡi lợn thập cẩm: Công dụng món ăn này là bổ khí huyết, ích tỳ thận… trị chứng tỳ vị hư, ăn ngủ kém, huyết áp thấp, đau đầu chóng mặt. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm lưỡi lợn, đu đủ, hành tây, cà rốt, đậu phộng rang, tỏi băm, ớt, ngò rí, rau răm, chanh, gia vị.
Minh Hoa (t/h)
Theo Minh Hoa/Nguoiduatin