Lúc bé Lê Ngọc Thùy Anh (phố Hàng Mã, Hà Nội) chuẩn bị thi cuối học kỳ 2 của lớp 1 thì bỗng thấy ra máu ở vùng kín. Tuy nhiên vì mải chơi nên Thùy Anh không để ý, đến khi được mẹ đón ở cổng trường mới phát hiện ra trên quần có dính máu.
Mẹ của bé hỏi đi hỏi lại nhưng Thùy Anh khẳng định không bị ngã hay va chạm vào vùng kín. Chỉ đến khi đi khám, bác sỹ cho biết bé Thùy Anh, 6 tuổi rưỡi, đã dậy thì sớm (DTS). Điều này khiến cho gia đình bé vô cùng choáng váng và hoang mang.
|
Cha mẹ nên chia sẻ đừng để con rơi vào cảm giác bối rối, lúng túng với những biến đổi thuộc về cơ thể mình- Ảnh minh họa |
Tại Phòng khám Sản phụ khoa Phương Mai (Hà Nội) trường hợp trẻ DTS đến khám khá phổ biến, như trường hợp bé Tuyết Nhi (8 tuổi).
Mẹ bé cho biết, Tuyết Nhi “già” so với các cô bé cùng tuổi. Tuy vẫn là trẻ con nhưng cô bé điệu hơn các bạn, thích những đồ chơi người lớn như trang điểm, sơn móng tay. Trong cách ăn nói cũng chững chạc và có phong cách của một thiếu nữ. Bắt đầu vào lớp mẫu giáo lớn, chiều cao của Tuyết Nhi tăng lên rõ rệt, cơ thể cũng phát triển hơn, đặc biệt là vùng ngực, tuy nhiên gia đình nghĩ bé ăn nhiều nên tăng cân. Cho đến khi bé kêu đau bụng đến hai ngày (vì đau râm ran và vẫn chơi đùa được nên không cho đi khám) thì bắt đầu có kinh nguyệt.
“Khi con ra máu, tôi cứ nghĩ con bị bệnh gì đó nên rất hoảng, liền đưa đi khám ngay. Gia đình choáng váng hơn khi biết con DTS. Sang năm con tôi mới vào lớp 3, thật tội nghiệp khi đã phải đối mặt với chu kỳ kinh nguyệt, bởi con còn quá nhỏ, thậm chí còn không biết cách làm thế nào khi đến lớp vào những ngày đèn đỏ…”, mẹ của Tuyết Nhi buồn rầu tâm sự.
Một trường hợp khác, một bé gái mới học lớp 2, nhưng đã lớn phổng phao hơn các bạn cùng lớp, đặc biệt là ngực bắt đầu nhú khiến cô bé rất xấu hổ khi mặc đồng phục. Bà của Bảo Vy khá lo lắng, bà mua áo ngực cho Bảo Vy mặc, nhưng cô bé nhất định không chịu mặc vì xấu hổ. “Lớp con có bạn gái nào mặc đâu mà bà bắt con mặc”.
Đến giữa năm lớp 2 thì Bảo Vy có kinh nguyệt, cô bé thậm chí còn không hiểu thế nào là dậy thì và tại sao lại bị chảy máu vùng kín trong khi ở lớp các bạn đều bình thường. Từ đó, Bảo Vy bắt đầu sống khép kín, co mình lại, ngại giao tiếp chơi đùa với chúng bạn. Từ một cô bé hiếu động, Bảo Vy trở thành một đứa trẻ trầm lặng, ít nói khiến gia đình cảm thấy lo lắng.
Việc trẻ DTS khiến không ít phụ huynh phiền muộn, thêm vào đó tâm lý trẻ DTS thường khác biệt so với những đứa trẻ phát triển bình thường, suy nghĩ cũng người lớn hơn cho nên nhiều cha mẹ còn lo lắng về việc khó nắm bắt được tâm lý của con, lo con bị xâm hại, lo có thai, lo con trầm cảm, bị lùn...
Theo An Khê/PNVN