Dị tật chỉ được phát hiện ở tuổi dậy thì
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình Bệnh viện ĐH Y, cho biết dị tật cơ quan sinh dục là các bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục xảy ra do bất thường trong sự phát sinh và hình thành hệ sinh dục.
Các bất thường về cơ quan sinh dục ngoài ở nữ giới gồm có: các bất thường về màng trinh; màng trinh không thủng hoặc thủng không hoàn toàn.
Các bất thường ở màng trinh có thể gây ra nhiều triệu chứng từ vô kinh nguyên phát, đau bụng tăng dần theo chu kỳ dẫn đến hệ quả tụ máu tiểu khung, nhiễm trùng tiểu khung, nhiễm khuẩn tiết niệu.
Một dị tật cơ quan sinh dục khác mà chị em cũng có thể gặp phải đó là tình trạng không có âm đạo. “Nghĩa là bệnh nhân có buồng trứng bình thường, tử cung thường kém phát triển, không có âm đạo do đó không thể hoặc khó khăn khi quan hệ tình dục, không thể mang thai”, TS. BS Việt Dung nêu.
Ngoài ra, BS Dung chỉ ra các bất thường hay gặp ở phụ nữ như dính môi bé; phì đại môi bé; phì đại âm vật. Đặc biệt là bộ phận sinh dục ngoài nam tính hóa (nằm trong hội chứng kém nhạy cảm androgen).
Theo TS. BS Việt Dung, bất thường bẩm sinh ở cơ quan sinh dục nữ gặp với một tỷ lệ thấp. Các bất thường này có thể không có biểu hiện lâm sàng nhưng đáng lo ngại thường chỉ phát hiện khi đến tuổi dậy thì với triệu chứng vô kinh nguyên phát, hoặc có kinh nguyệt bình thường nhưng đau bụng dưới theo chu kỳ tăng dần, khó khăn khi quan hệ tình dục hoặc các vấn đề về sinh sản mới phát hiện ra.
“Nữ giới khi phát hiện có các dị tật cơ quan sinh dục ngoài nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tránh tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức hoặc e ngại không dám đi khám, thậm chí có người chọn cách tin theo quảng cáo trên mạng, làm theo lời mách dân gian truyền miệng, gặp thầy lang, cúng bái,… có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, TS. BS Việt Dung cảnh báo.
Chú ý chu kỳ kinh nguyệt ở bé gái tuổi dậy thì
Chung mối quan tâm này, ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện E, cho biết đã từng thực hiện phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị dị tật cơ quan sinh dục.
Gần đây nhất là trường hợp một bé gái 12 tuổi bị dị tật màng trinh không thủng. Tình trạng này khiến bé đau bụng nhiều do ứ máu trong âm đạo và buồng tử cung…
Do đó, BS. Minh khuyến cáo, các gia đình có bé gái đang ở độ tuổi dậy thì phải chú ý đặc biệt đến chu kì kinh nguyệt, xem có đều đặn hay có điều gì bất thường xảy ra không.
Khi đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám sản khoa để có thể phát hiện 1 trong 2 dị tật sau:
Dị tật bẩm sinh không có âm đạo và tử cung (Hội chứng MRKH) thường thì sẽ vẫn có buồng trứng: bệnh nhân đến tuổi dậy thì phát triển hoàn toàn bình thường nhưng không có kinh nguyệt, cũng không có triệu chứng đau đớn gì. Sau khi phẫu thuật tạo hình âm đạo thì bệnh nhân vẫn có thể có thiên chức làm mẹ và làm vợ hoàn toàn bình thường.
Dị tật màng trinh không thủng hoặc hẹp/dính phần đầu của âm đạo: Bệnh nhân có kinh nguyệt nhưng không thoát ra ngoài được gây các cơn đau dữ dội từng cơn tại vùng hạ vị. Bác sĩ sẽ cần trích rạch màng trinh hoặc có thể phải tạo hình phần đầu âm đạo.
Theo BS. Minh, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hàng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể.
Với vòng kinh bình thường khoảng 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày. Một trong những biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất của bế kinh là kinh nguyệt đang bình thường bỗng dưng không xuất hiện trong thời gian vài tháng trở lên. Khi thấy cơ thể bất thường, chị em phải đến ngay các cơ sở bệnh viện uy tín, chất lượng để thăm khám và tìm ra được nguyên nhân gây nên càng sớm, càng tốt, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc sau này.
Theo N. Huyền/Infonet