Gia tăng số ca mắc tay chân miệng
Báo Vietnamnet dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho hay, số ca mắc tay chân miệng (TCM) đang ngày càng tăng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện, trong đó 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị Immunoglobulin.
Đáng lo ngại, số ca mắc bệnh có diễn tiến nặng xuất hiện ngày càng nhiều. Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong đó, chủng EV71 gây bệnh cảnh nặng và dễ biến chứng hơn. Nếu trẻ biến chứng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tử vong. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, do virus thuộc chủng Enterovirus gây ra, phổ biến nhất là coxsackievirus A16.
Bệnh này có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc bề mặt có dấu vết của virus, hoặc tiếp xúc với nước bọt, phân, dịch tiết từ các vết phồng rộp, giọt bắn đường hô hấp sau khi ho hoặc hắt hơi. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi.
|
Ảnh minh họa: CG. |
Các triệu chứng bắt đầu phát triển từ 3 - 6 ngày sau khi mắc bệnh, gọi là thời kỳ ủ bệnh. Khi đó, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như sốt, chán ăn, viêm họng, đau đầu, cáu gắt, khó chịu, chảy nước dãi, mụn nước đỏ và đau trong miệng, phát ban đỏ trên bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Sốt và đau họng thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Mụn nước và phát ban là triệu chứng đặc trưng xuất hiện muộn hơn, thường là 1 hoặc 2 ngày sau khi bắt đầu sốt.
Hầu hết trẻ em mắc bệnh tay chân miệng cũng sẽ bị lở loét trong miệng. Bố mẹ hãy kiểm tra lưỡi của trẻ, bao gồm cả hai bên và cổ họng.
Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh này bao gồm mất nước, bật móng tay hoặc móng chân, viêm màng não, viêm não, tê liệt, viêm cơ tim,...
Vắc xin tay chân miệng sắp cấp phép tại Việt Nam
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đã có một công ty xin cấp phép vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và Bộ Y tế đang xem xét. Nếu được duyệt, vắc xin này dự kiến sẽ tiêm vào năm 2024 với hình thức dịch vụ.
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Phó giám đốc Trung tâm TNLS - Viện Pasteur TP HCM, cho biết vắc xin TCM được nghiên cứu là vắc xin bất hoạt, phòng bệnh TCM do các chủng EV71 gây ra.
Vắc xin do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institutes, Đài Loan) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Năm 2010, vắc xin đã tiến hành TNLS giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên khỏe mạnh, cho các kết quả an toàn và sinh miễn dịch. 90% người nhận vắc xin đã tăng hiệu giá NTAb lên gấp 4 lần hoặc hơn sau tiêm (mức kháng thể có khả năng chống lại vi rút tăng gấp 4 lần sau tiêm). Từ năm 2014 - 2017, vắc xin được tiếp tục triển khai nghiên cứu TNLS giai đoạn 2 với 365 tình nguyện viên tham gia, tuổi từ 2 tháng đến 12 tuổi.
Các nghiên cứu TNLS giai đoạn 1 và 2 đều được triển khai tại Đài Loan (Trung Quốc), nghiên cứu giai đoạn 3 tại Việt Nam và Đài Loan.
Đến nay có 2 vắc xin TCM triển khai nghiên cứu TNLS tại Việt Nam, một đã hoàn tất (2019 - 2021, là vắc xin đang xin cấp phép) và một đang triển khai (2023 - 2025).
Kết quả TNLS giai đoạn 3 cho thấy chưa ghi nhận ca mắc TCM nào trong nhóm trẻ được tiêm vắc xin trong 2 năm triển khai nghiên cứu.
Trước đó, theo thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, vào sáng 23/6, tại Viện Pasteur TP HCM, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Theo Thứ trưởng, Cục Quản lý dược đã nhận được hồ sơ đăng ký sản xuất vắc xin phòng bệnh TCM, theo đó, có hi vọng từ nay đến cuối năm 2023, vắc xin này sẽ được cấp phép.
Tuy nhiên, trong lúc đợi vắc xin thì giải pháp quan trọng là các địa phương cần chủ động dự trù cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cần truyền thông về kiến thức phòng chống dịch, dấu hiệu phát hiện sớm dịch bệnh để đưa đến cơ sở y tế, phòng ngừa dịch tại cộng đồng, tại trường học,…
>>> Mời độc giả xem thêm video: Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng
P.V (Tổng hợp)