Mẹ chấp nhận vất vả gấp đôi
Có con đầu lòng vào lúc sự nghiệp đang thuận lợi, thế nên chị Hà My quyết định không ở nhà hẳn để chăm con. Căn nhà thuê của vợ chồng chị tại Hà Nội chỉ vỏn vẹn 30m2, quá chật để thuê thêm một người giúp việc cùng sinh hoạt, do đó, chị đã phải lên kế hoạch ngay từ khi còn ở cữ.
|
Chăm con nhỏ chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bà mẹ trẻ. |
Khi con được 5 tháng tuổi, chị đã hỏi nhờ người quen giới thiệu một người trông trẻ ở gần nhà. “Mình đến tận nhà của bác trông trẻ, hỏi han, trò chuyện vài lần để có thể hiểu bác ấy hơn, đồng thời chia sẻ để bác hiểu tính cách của con mình cũng như hoàn cảnh của gia đình mình. Trước đó, cũng khá nhiều người quen giới thiệu và ca ngợi bác là người giúp việc rất có tâm.
Tuy nhiên, khi mình quay trở lại đi làm là lúc con mới được 6 tháng tuổi, nên mình gửi con theo giờ. Buổi sáng mình gửi con, buổi trưa mình đón về, cho con bú. Sau đó, đến tầm gần 5 giờ chiều, mình đã tất tả về đón con”.
Vừa lo cho con, vừa lo công việc, sức lực chị My bỏ ra gấp đôi bình thường, đó là chưa kể con ốm, con quấy. Nhưng chị luôn xác định, khi còn còn nhỏ, cả hai vợ phải học cách chấp nhận cuộc sống từ đây sẽ vô cùng bận rộn, Gửi được con, công việc nhà hai vợ chồng chị cùng nhau chia sẻ. Chị nấu cơm thì chồng rửa bát, chị dọn nhà thì chồng giặt quần áo. Tối tối, khi con đã ngủ, chị lại làm thêm việc ở công ty để hoàn thành định mức được giao.
Chia sẻ về quá trình chăm con nhỏ của mình, chị My cho rằng: “Có thể mình may mắn khi tìm được một người trông trẻ theo giờ khá chu đáo, tận tâm, nên cũng đỡ lo phần nào về chuyện con nhỏ. Nhưng với các bà mẹ khác, vẫn hoàn toàn có thể áp dụng việc thuê giúp việc theo giờ trong cả việc trông con và việc nhà. Tuy nhiên, không phải cứ có người làm giúp là mình phó mặc. Thậm chí, mình còn bận gấp đôi khi vừa làm việc, vừa phải giám sát việc chăm con, nhà cửa”.
Làm gì cũng phải nhanh nhẹn, khoa học
Có con nhỏ 3 tuổi chị Thu Hương ở Hoàng Mai, Hà Nội đã từ bỏ mọi thói quen như thời con gái, nhất là ngủ nướng. Giờ đây, việc gì chị cũng làm nhanh nhanh chóng chóng, vì có con nhỏ, nếu chậm một chút là việc sẽ ùn lại.
Chị thường lên một lịch sinh hoạt kỹ càng để làm theo cho đỡ quên và đỡ mất thời gian. Chị Hương chia sẻ lịch cụ thể như sau:
7h 30 sáng: Chuẩn bị xong xuôi, đưa con đi học rồi mẹ đi làm 4-5h chiều: Mẹ đi làm về, đón con.
6h chiều: Mẹ cơm nước, cho con ăn.
7-8h tối: Mẹ chơi cùng con.
9h tối: Cho con uống sữa và đi ngủ.
Chị Hương cho biết: “Với lịch sinh hoạt này, tưởng chừng đơn giản, nhưng làm xong xuôi mình cũng đã mệt lờ đờ. Nhưng hoàn cảnh gia đình, khiến cho mình phải thích nghi với việc đó. Mình thường đi chợ cho cả tuần, chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, khi đang nấu bữa tối của ngày hôm nay hãy chuẩn bị luôn đồ cho tối hôm sau. Hoặc cũng có thể mua hàng online, siêu thị sẽ giao hàng tận nhà mà không mất công đi lại, chờ đợi.
Đồng thời mình làm việc nhà mọi lúc mọi nơi: ví dụ khi mình đang đánh răng, thì tiện tay lau luôn cái bồn rửa mặt. Tắm xong, mình sẽ lau luôn cái sàn nhà tắm. Bên cạnh đó, 1-2 tuần một lần mình thuê người dọn nhà chuyên nghiệp đến tổng vệ sinh nhà cửa, thế là lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng”.
Cái được lớn nhất của việc không dựa dẫm vào ông bà nội ngoại, với chị Hương chính là chị đảm đang hơn rất nhiều, đầu óc “chiến lược” hơn, việc nhà lúc nào cũng tươm tất, lại có nhiều thời gian dành ở bên con.
Một số gia đình trẻ khác cũng đã tìm phương án là cho con đi nhà trẻ từ 6 tháng tuổi để giảm áp lực cho mẹ. “Nhiều bố mẹ nghĩ cho con đi sớm thì thương con quá. Nhưng cho con đi lớp với các bạn sẽ tốt mọi mặt phát triển trí não, ngôn ngữ, vận động, sức khỏe, cảm xúc xã hội, sự độc lập... Chỉ có điều, hãy dành thời gian để quan tâm, bù đắp đến con thật nhiều sau mỗi ngày khi làm về và cuối tuần”, chị Lan Anh, một bà mẹ 9x ở TP HCM chia sẻ.
Việc chăm con nhỏ không phụ thuộc vào người giúp việc hay không dựa dẫm vào ông bà đương nhiên sẽ khiến các ông bố bà mẹ trẻ bận rộn, mệt mỏi hơn. Nhưng đôi khi đó cũng là một cách sống độc lập, khoa học và giúp trân trọng giá trị gia đình nhiều hơn.
Theo Châu Anh/Em Đẹp