Trên website của Cục An toàn thực phẩm, ngày 31/8/2020 cơ quan này ra cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên sủi Satochi trên một số website. Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên website của Cục An toàn thực phẩm, thời gian vừa qua trên các website satochichinhhang.vn; chuyensuckhoesacdep.com/satochi/; và chonmuatot.com/vien-sui-satochi-co-tot-khong/ có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi do công ty Công ty Cổ phần Butaba (địa chỉ trụ sở chính: Tầng 2 tòa nhà HH1, ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) sở hữu Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ .Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Đáng nói, trong danh sách cập nhật cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm từ ngày 10/6/2020 đến ngày 21/8/2020 được Cục An toàn thực phẩm công bố thì Công ty cổ phần Butaba từng bị phạt 50 triệu đồng do hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi trên website http://viensuisatochi.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Trước đó, ngày 26/6/2020, tại trang web Cục An toàn thực phẩm có đăng thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên trang mạng http://www.satochi.com.vn/z đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
Mặc dù vậy, qua quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần Butaba không thừa nhận website nêu trên của Công ty Cổ phần Butaba, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi trên trang mạng nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi đang được quảng cáo vi phạm trên website nêu trên không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụngsản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi quảng cáo trên trang website/internet nêu trên.
Mời quý độc giả theo dõi video: Hậu quả của việc sử dụng thực phẩm chức năng giả
Hiện tại, theo tìm hiểu của Kiến Thức, đường link dẫn đến các trang satochi.com.vn và viensuisatochi.vn không thể truy cập được; tuy nhiên còn rất nhiều trang web khác hiện vẫn đang quảng cáo viên sủi tiểu đường Satochi với công dụng “kích thích sản xuất insulin nội sinh, thúc đẩy quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng,… ổn định đường huyết, hạn chế tối đa biến chứng tiểu đường, xóa bỏ tình trạng kiêng khem trong ăn uống…”. Nội dung quảng cáo khẳng định: “sau hơn 1 tháng sử dụng, lúc này đường huyết đã tương đối ổn định; nếu kết hợp ăn uống khoa học, tập luyện phù hợp thì hoàn toàn có thể thiết lập lại cuộc sống bình thường”. Để đánh vào lòng tin của người tiêu dung, quảng cáo sản phẩm này trên trang chuyensuckhoesacdep.com/satochi/ thậm chí còn “nổ” rằng “sản phẩm được Bộ Y tế kiểm định đạt 100% điểm chất lượng…”
Như vậy, mặc dù từng bị cảnh báo, bị xử phạt vì quảng cáo “láo” lừa dối người tiêu dùng nhưng sản phẩm của nhãn hàng này vẫn tiếp tục vi phạm quy định quảng cáo. Có hay không, lợi ích kinh tế từ việc kinh doanh sản phẩm này quá lớn khiến nhãn hàng “nhờn thuốc” trước mọi hình thức xử lý của pháp luật???
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện vẫn còn một số khó khăn khi xử lý sai phạm của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi cơ quan quản lý Nhà nước thanh, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp vi phạm quảng cáo trên website, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng doanh nghiệp chỉ nhận sản phẩm là của mình nhưng website thì không phải, nên doanh nghiệp không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang website) để xử lý theo quy định.
An Lê