Ngày 15/1, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhi T.N.Q.N. (15 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), bị ngộ độc thuốc chống trầm cảm amitryptyline.
Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó, N. bị mẹ mắng vì ham chơi không lo học. Trong lúc nghĩ quẩn, bé đã uống 28 viên thuốc chống trầm cảm amitryptyline viên hàm lượng 25 mg.
N. được người nhà phát hiện trong tình trạng lơ mơ, nói sảng nên lập tức đưa em đến bệnh viện tư để sơ cứu. Sau đó, bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.
|
Bệnh nhi N. được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BSCC.
|
Bác sĩ Tiến cho biết tại bệnh viện, em được rửa dạ dày và cho uống than hoạt tính để hấp thu các độc chất còn lại trong đường tiêu hoá. Bệnh nhi được kết hợp truyền dịch, điều trị kiềm hóa máu và nước tiểu. Đồng thời, mẫu máu của bệnh nhi được gửi xét nghiệm định tính, định lượng độc chất và đo điện tâm đồ.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhi cải thiện dần, tỉnh táo, hết đỏ da, được bác sĩ tâm lý tư vấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, thuốc chống trầm cảm 3 vòng bao gồm Amine thế hệ 1: Amitriptyline (Redomex), Amine thế hệ 2: Notriptyline (Nortrilen), Amine thế hệ 3: Doxepin (Sinequan).
Ngộ độc thuốc chống trầm cảm 3 vòng ở trẻ em được biểu hiện thông qua rối loạn tri giác, lừ đừ, buồn ngủ, ảo giác, mất điều hòa, hôn mê, co giật, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thất, khô miệng, đỏ da, co giật, sốt, giãn đồng tử, tụt huyết áp, suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
"Qua trường hợp này, chúng tôi xin lưu ý đến phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, tình cảm của con em mình, nhất là tuổi vị thành niên. Người lớn đừng nên la mắng quá mức vì có thể đưa trẻ đến suy nghĩ thiếu chính chắn, dẫn đến hành động nguy hiểm cho bản thân", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Theo Bích Huệ/ Zing