Mẹ chồng nàng dâu vốn là hai người xa lạ, vì một người đàn ông mà bỗng dưng trở thành người một nhà, sống chung hay sống riêng thì cũng nhiều lúc va chạm. Sau vài năm làm dâu, kinh nghiệm xương máu của các nàng dâu không ai giống ai, nhưng mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu tốt đẹp hay không phụ thuộc vào nàng dâu cao tay biết cách xử lý tình huống.
Nói về chuyện nuôi con, hẳn ai nào cũng từng trải qua giai đoạn căng thẳng hoặc mâu thuẫn ít nhiều với mẹ chồng. Bà can thiệp vào việc ở cữ, kiêng khem quá đáng, giờ giấc ăn uống bú ẵm của cháu, hoặc tiêu biểu là các bà luôn đòi: "Mang cháu về quê bà chăm cho nhé". Chẳng bà mẹ nào muốn xa con, nhưng giãy lên không cho bà đem về quê liệu có phải cách hay?
H.L chia sẻ trên nhóm tâm sự của các bà vợ: "Con em mới 1 tuổi, em ít sữa nên cũng tính cai sữa luôn. Thấy vậy, mẹ chồng bảo em mang cháu về quê bà chăm. Ban đầu em không đồng ý vì muốn ở gần con. Em cho cháu đi học mầm non ở gần nhà luôn, trộm vía con cực kỳ hợp tác mà mẹ đón còn không muốn về ấy.
Nhưng học được 1 tháng thì nhiều người hỏi thăm, mấy bà hàng xóm ở quê bình luận các kiểu, mẹ chồng em ngay lập tức thể hiện là xót cháu, xung phong lên chăm nom để cháu cứng cáp hơn, 18 tháng mới cho đi học.
Được 1 tuần, bà lại giở bài cũ, kêu mệt mỏi vì không gian tù túng ở thành phố và nhất quyết đòi mang cháu về quê hoặc em phải nghỉ việc. Mọi người biết em làm gì khiến bà bỏ cuộc mà gia đình vẫn vui vẻ không?".
H.L thấy bà đứng cạnh con trai, vừa nựng cháu vừa bảo: "Về bà chăm cho lớn chứ mẹ mày vô tích sự", cô cười nhẹ tung ngay chiêu hiểm.
Đầu tiên H.L thủ thỉ tâm sự chuyện kinh tế vẫn chưa vững mà hai vợ chồng tính sang năm mua nhà nên cô không thể nghỉ làm. Tiếp theo, cô nịnh mẹ chồng mấy câu, gửi gắm thằng cháu đích tôn luôn cho bà. Cô quyết định là chấp nhận buồn một chút, mạo hiểm một chút để "buông" con trai một lần.
"Từ lúc em sinh con, mẹ chồng bế ẵm được chục lần, còn chưa quen nếp của con em. Ở nhà em, em chuẩn bị thức ăn dặm cho cháu, nấu đồ ăn sáng cho bà rồi mới đi làm, thế mà bà còn xoay không được. Về quê, ông thì già không giúp được gì, để xem bà giữ cháu được bao lâu", L. chia sẻ.
Đúng như H.L dự đoán, chỉ được 1 tuần, mẹ chồng đã gọi cho chồng cô than vãn là thằng cháu hư lắm, trưa không chịu ngủ làm bà không được ngủ trưa, tối thì quấy khóc nhớ ti mẹ, cho ăn rong rồi còn không chịu ăn cứ lắc đầu mãi. Bà xót cháu sụt cả kg nên phải gọi lên hỏi ý bố mẹ nó.
H.L vẫn tỉnh bơ bảo mẹ chồng là không sao, trẻ con đi học cũng sút cân, bà chăm là nhất rồi, bà cứ chịu khó còn cô không ý kiến gì, để bà toàn quyền nuôi dạy.
Hết 2 tuần, ông bà nội bồng bế cháu lên. Ông tâm sự là cháu khóc ri rỉ suốt đêm làm ông bị mất ngủ, tăng huyết áp. Ông không chịu nổi nên bảo bà: "Thôi bà trả con cho chúng nó đi, già rồi còn ôm rơm nặng bụng. Thằng cháu tôi đi học mầm non được ăn uống khoa học, giao tiếp xã hội, chứ ở nhà với hai ông bà già tôi thấy nó gầy rộc đi rồi đấy. Tôi mệt, bà mệt, mà cháu còn ốm hơn mẹ nó trông. Từ nay bà bớt chê mẹ nó đi".
Sau lần ấy, bé Bi được đi học mầm non, bà nội hết ý kiến. Còn chồng H.L bật cười bảo cô: "Em đúng là nàng dâu cao tay nhất anh từng gặp đấy". Chồng H.L đã đoán ngay chiêu của cô khi thấy bình thường con ốm là vợ sốt ruột mất ăn mất ngủ, thế mà lúc nghe bà nội than vãn con sút cân vẫn tỉnh bơ như không liên quan.
* Kiến Thức đã đổi tên bài viết.
Theo Helino