Mẹ chồng sang tên sổ đỏ cho con trai trước cưới 6 tháng
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Hải Dương) về làm dâu được một tuần, thì mẹ chồng gọi vào phòng đưa cho cuốn sổ ghi nợ tới 300 triệu đồng. Đó là tiền các bác, dì, cậu trong họ cho vay để mẹ chồng xây ngôi nhà 3 tầng cưới vợ cho con trai. Mẹ chồng nói rõ rằng, sổ đỏ đã sang tên cho chồng chị. Rồi bà kể lể một mình vất vả nuôi chồng chị Hoa ăn học nên người, giờ bà tuổi cao, không còn sức lao động nên trông chờ vào vợ chồng chị trả nợ. Chồng chị Hoa động viên vợ, tiền hồi môn bố mẹ đẻ cho thì cứ giữ, chồng đi làm lấy lương trả nợ, còn lương vợ thì nuôi cả nhà.
|
Ảnh minh họa. |
Chị Hoa bèn vào một group chat chia sẻ và ngay lập tức được nhiều người hiến kế, nhưng rất nhiều kế “ngây thơ” về luật: “Nhà chỉ có chồng là con trai, nhà của bà sau này là của hai vợ chồng. Cưới về có nhà sẵn để ở đỡ phải lo rồi, giờ chỉ phải lo cày trả nợ thì sốc cái gì. Vợ chồng tôi còn tự lo tiền mua đất, lo tiền xây nhà, nợ ngập đầu tới gần tỉ. Lương chồng cao thì để trả nợ. Lương vợ thấp thì lo sinh hoạt, con cái. Nội, ngoại đau ốm vẫn chu toàn”.
“Hai vợ chồng trả nợ 300 triệu đồng để có cái nhà 3 tầng - là sự vất vả gần hết đời của mẹ chồng. Khối người cố gắng cả đời không có nổi cái nhà, thậm chí không làm nổi cái móng nhà. Đúng là vừa sướng vừa rên”.
“Nhà đứng tên ai đâu quan trọng, mình là gì mà về làm dâu trả nợ có 300 triệu đồng mà kêu sốc, ích kỷ quá. Nhà chồng tớ có hai con trai, mẹ chồng có mấy ki ốt hàng ở chợ, nhà cao cửa rộng. Nhưng tớ bảo chồng là nhà để sau cho chú út ở với bố mẹ, vợ chồng mình làm ăn xa tự lo. Ông bà xây nhà mới mình cũng phải phụ tiền cho xây, nhà cửa vẫn ông bà đứng tên. Mẹ chồng bạn cả đời mới có cái nhà cho con trai, mình là gì mà đòi đứng tên cùng hưởng. Sao không đòi cho chồng đứng tên cùng mình trong sổ đỏ nhà bố mẹ đẻ đi? Lo mà giữ hôn nhân êm ấm, lăn tăn gì cái sổ đỏ với nợ nần cho nhức đầu”...
Tài sản sau hôn nhân phải minh bạch, rõ ràng
Trong khi nhiều người chê trách chị Hoa ích kỷ, “sướng không biết đường sướng” còn lo lắng, tính toán thì có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, nhiều nhà có con trai một vẫn ly hôn, vợ ra đi tay trắng, thậm chí đuổi nàng dâu, bắt cháu nội lại. Vì vậy chị Hoa lo lắng là đúng. Có lẽ do cưới về thấy dâu mới có vòng vàng, dây chuyền, tiền cưới dư nên mẹ chồng muốn trang trải nợ nần luôn cho nhẹ.
Nick DaThao chia sẻ, hoàn cảnh của cô em dì cưới được 2 tháng, nghe nhà chồng dỗ ngon ngọt đem bán sạch vàng và đưa tiền cưới cho nhà chồng xây nhà. Hai năm sau vợ chồng ly hôn, giờ tay trắng ngồi khóc.
Rất nhiều người không thích kiểu giao trách nhiệm trả nợ của mẹ chồng cho nàng dâu mới và khuyên chị Hoa nên suy nghĩ kỹ, bởi nói “sau này là nhà của mình” thì chưa chắc. Giờ nếu có đủ khả năng thì cùng gánh nợ với chồng. Nếu khó khăn thì chớ dại nghĩ lấy của hồi môn, hay đi vay, hay bòn rút của bố mẹ đẻ trả nợ cho nhà chồng.
Dù nhà chồng bỏ tiền tỉ xây nhà thì cũng là tài sản trước hôn nhân, nàng dâu đồng cam cộng khổ, chắt chiu trả nợ cho nhà chồng cả tỉ thì ly hôn vẫn tay trắng ra khỏi nhà. Không phải là ki bo, toan tính, mà vì công sức và lòng tin phải đặt đúng chỗ, và còn phải đảm bảo tương lai sau này cho con cái nữa. 300 triệu không to, nhưng đã quá nhiều chồng và nhà chồng tệ bạc, lật mặt bất chấp nàng dâu và các cháu khốn khổ.
Nhiều người khuyên chị Hoa là của hồi môn cứ gửi tiết kiệm. Hãy dành dụm, lương tháng 8 triệu đồng chỉ nên “khai” 5-6 triệu, còn lại cất riêng cho con sau này. Hoặc nửa đùa nửa thật bảo bà: “Sang năm con sinh cháu cho bà nội bế, thì bà nội cho cháu đứng tên sổ đỏ nhá. Còn 300 triệu nợ thì vợ chồng con sẽ cố gắng trả dần cùng – xem bà bảo sao”. Hay cách vơ vào của mẹ chồng sau khi cưới như trên thì nàng dâu cần khẩn trương ở riêng, kẻo suốt ngày sẽ bị đay nghiến chuyện tiền nong trả nợ rất khó sống.
“Trong việc này con trai có thể chưa toan tính, nhưng mẹ chồng có thể đã có toan tính riêng, dù là động cơ tốt, nhưng mục đích là thu vén cá nhân cho con trai. Các cô vợ trẻ cần biết quyền lợi và nghĩa vụ là khác nhau. Vì vậy hãy tìm hiểu kỹ:
Thời điểm sang tên sổ đỏ cho con trai trước khi cưới khoảng bao lâu. Nếu bạn yêu nhau vài năm, mẹ chồng sang tên cho con trai từ 1-2 năm trước thì có thể không có động cơ tài sản riêng chung, mà chỉ nói trọng trách trả nợ để nàng dâu cùng hiểu và lo toan là bình thường.
Nhưng nếu thời điểm sang tên sổ đỏ cho con trai trong vòng 1 năm trở lại, hoặc ngay trước khi có ý định cưới thì nhà chồng đã có ý đồ, đã nhắm vào tiền hồi môn của con dâu rồi - mục đích đã rõ.
Vấn đề tiền hồi môn của nàng dâu: Của hồi môn nhà ngoại gồm của bố mẹ, ông bà, chú bác, cô dì, họ hàng… cho bao nhiêu nàng dâu không nên đưa mẹ chồng “giữ hộ” hay trả nợ cho nhà chồng. Của hồi môn nhà ngoại cho là để giúp đôi vợ chồng mới có chút vốn liếng bước vào cuộc sống gia đình mới và là khoản phòng bất trắc rủi ro. Nàng dâu nhận của nhà ngoại tiền khi mừng cưới họ không mong cầu hồi đáp, nhưng nàng dâu phải có trách nhiệm cư xử hồi đáp tình cảm của mọi người. Khi bố mẹ đẻ, họ hàng ốm đau, hoạn nạn nàng dâu cũng phải có trách nhiệm. Vì vậy, khi sử dụng của hồi môn cần phải có sự cân nhắc suy nghĩ, thấu đáo.
Trường hợp chồng bảo vợ để dành lương chồng trả nợ thì đôi khi phải chấp nhận, vì nếu đòi sang tên sổ đỏ có cả tên vợ thì cuộc hôn nhân sẽ so đo, ngột ngạt. Cuộc sống chung tuy đồng cam cộng khổ, tiết kiệm, dành dụm để trả nợ, nhưng chồng phải có trách nhiệm trả nợ là chính. Hãy nói rõ với chồng: Lương em chỉ có ngần này, đồng ý là cùng thu vén gia đình nhưng trong điều kiện cho phép”.
Luật sư Nguyễn Thùy Dương (Văn phòng Luật sư Minh Long, Hà Nội)
Theo Uyển Hương/Gia Đình