Theo thông tin từ Facebook, chiều tối ngày 11/12, cô gái trẻ tên Ph. đang tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) bị đối tượng lạ mặt rạch nhiều đường dao lam vào chân.
Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng xôn xao và bày tỏ lo lắng trước sự việc này. Trong đó nổi lên là nỗi lo về việc nhiễm các bệnh do vi rút thông qua các vết thương bị rạch bởi dao lam.
|
Hình ảnh cô gái trẻ bị đối tượng lạ rạch dao lam vào đùi gây xôn xao cộng đồng mạng. |
Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, Th.s. BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện 09, khi không may bị người lạ dùng lưỡi lam rạch vào người, trước hết cần phải bình tĩnh xem xét vết thương.
“Cấu tạo của da được chia làm 3 lớp: thượng bì, trung bì, lớp hạ bì. Trong trường hợp, nếu bị dao rạch bị tổn thương ở lớp thượng bì (chầy xước) như đi tắm biển bị cháy nắng hay lột da mặt không có gì đáng ngại. Với tổn thương này chỉ cần rửa sạch bằng xà phòng hay xà bông diệt khuẩn. Bởi vì, lớp thượng bì là lớp sừng không có mạch máu nuôi dưỡng nên nguy cơ mắc bệnh lây qua đường máu là không có”, bác sĩ Hưng nói.
Trong trường hợp bị rách tới mức chảy máu, có nghĩa là lớp hạ bì đã bị tổn thương. Cách xử lý tốt nhất là rửa sạch bằng xà phòng, sau đó nặn để máu đẩy các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Ở mức độ nặng hơn nữa như đứt mạch máu phải sơ cứu bằng ga rô để tránh mất máu dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Với những tổn thương chảy máu, sau khi sơ cứu nạn nhân, cần tới cơ sở y tế để xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường máu đặc biệt là HIV/AIDS. Tại thời điểm người bị dao rạch, nếu xét nghiệm âm tính với HIV cần phải theo dõi tiếp 3 tháng, 6 tháng. Sau 6 tháng, nếu không bị nhiễm bệnh, trường hợp đó được cho là an toàn.
“Trong thời gian này, nếu nạn nhân xác định được tác nhân gây chảy máu có mang vi rút HIV/AIDS cần phải uống thuốc phòng ngừa. Nên uống càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 8h đầu, chậm nhất là trong 72h. Sau 72 giờ, thuốc phòng chống phơi nhiễm gần như không có tác dụng”, bác sĩ Hưng cho hay.
Máu có trên dao lam ít khi gây bệnh
|
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng trả lời Emdep.vn. |
Trấn an nguy cơ lây bệnh khi bị lưỡi lam rạch vào người, bác sĩ Nguyễn ngọc Hưng cho biết thêm: “Trên thực tế, nếu bị lưỡi dao lam rạch sẽ ít gây bệnh. Lưỡi dao lam thường trơn, nếu rạch vào đối tượng dính máu sau đó rạch vào một người khác, máu trên lưỡi dao lam chưa đủ tải lượng vi rút để có thể gây bệnh. Nồng độ vi rút trong máu phải đạt một số lượng nhất, khoảng 1-2ml mới khuếch tán được và di chuyển nhanh trong dòng máu. Nhưng nếu nồng độ máu ít có nghĩa số lượng vi rút cũng ít, khi đó cơ thể sẽ tự sinh ra một hàng rào kháng thể nhằm tiêu diệt lại vi rút đó”.
Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo, khi gặp những đối tượng thường đi xe dùng dao lam để rạch đùi, chân cần phải báo cho cơ quan công an.
Bởi vì, việc này sẽ xác định được nhóm đối tượng đó có phải bị HIV/AIDS mang ý đồ xấu hay là nhóm đối tượng nghiện ma túy bị “ngáo đá”.
Theo bác sĩ Hưng, có những đối tượng bị "ngáo đá" sẽ xuất hiện trạng thái tâm thần ảo giác, hoang tưởng và gây ra những việc làm mất nhân tính như trên. Trình báo cho cơ quan pháp lý, nạn nhân còn có thể được giới thiệu đi các cơ sở y tế thực hiện miễn phí xét nghiệm, dùng thuốc phôi nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng lưu ý, bị dao lam rạch hay bị kim tiêm đâm tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc chống phơi nhiễm về uống có thể gây nên những mặt trái không mong muốn.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):
Theo Ngọc Minh/Em Đẹp