Khi bị nhiễm COVID-19, Yvonne Cassidy, tiểu thuyết gia người Mỹ, nghĩ: "Có 3 loại bệnh nhân: người bị nhẹ, người phải nhập viện và người tử vong. Tôi không biết có những người giống tôi, bị mắc kẹt trong hội chứng hậu COVID-19, không còn ốm nữa nhưng vẫn chưa bình phục”.
Bệnh nhân COVID-19 chịu tác động kéo dài của virus nCoV. Ảnh minh họa: Time
Hai tháng sau khi mắc bệnh, Cassidy thấy việc leo một tầng cầu thang cũng khó khăn. Với sự hướng dẫn của bác sĩ, cô bắt đầu áp dụng lịch trình đi bộ chậm 5 phút. Trong buổi đầu, cô thấy tức ngực, khuỵu chân, thở gấp gáp.
Trước đó, Cassidy từng tập luyện để tham gia chạy marathon nhưng giờ mục tiêu của cô chỉ là 30 phút vận động mỗi ngày.
“Virus dường như tăng nguy cơ sẹo phổi. Điều chúng ta thực sự e sợ là việc khó thở kéo dài có thể xảy ra ở cả bệnh nhân có triệu chứng nhẹ lẫn nghiêm trọng”, Giáo sư John Swartzberg, Đại học California (Mỹ), cho hay.
Tới nay, các bác sĩ đã ghi nhận những ảnh hưởng lâu dài của virus nCoV tới nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Một trong các bộ phận chịu tác động trầm trọng nhất có phổi.
Mới đây, các nhà khoa học tại nhiều viện nghiên cứu ở vùng Tyrolean (Áo) đã đề nghị một số bệnh nhân COVID-19 đến để đánh giá sức khỏe sau khi được xuất viện 6, 12, 24 tuần.
Số lượng ca bệnh là 86 người, độ tuổi trung bình là 61, thời gian ở viện bình quân 13 ngày. Một nửa trong số đó từng hoặc đang hút thuốc. 18 người từng trong khu chăm sóc tích cực, 16 người phải sử dụng máy thở.
Vào mốc 6 tuần, hơn một nửa số bệnh nhân trên vẫn còn ít nhất một triệu chứng dai dẳng, chủ yếu là khó thở và ho. Kết quả chụp CT cho thấy, phổi của họ bị tổn thương tới 88%.
Trong lần kiểm tra thứ 2 (mốc 12 tuần), các biểu hiện bệnh giảm bớt và tổn thương phổi giảm xuống còn 56%. Các bệnh nhân đang chờ kiểm tra lần thứ ba ở mốc 24 tuần sau khi xuất viện.
Bác sĩ Sabina Sahanic cùng các đồng nghiệp ở Innsbruck là những người tiến hành khảo sát. “Tin xấu là chức năng phổi của mọi người suy giảm sau nhiều tuần xuất viện. Nhưng tin tốt là tình trạng được cải thiện theo thời gian, cho thấy phổi có cơ chế tự phục hồi”, bác sĩ Sahanic cho hay.
Ngoài ra, sau 6 tuần xuất viện, 48 bệnh nhân (58,5%) bị rối loạn tâm thất trái của tim khi co bóp và giãn nghỉ. Các chỉ số sinh học của tổn thương tim, huyết khối và viêm nhiễm đều tăng lên rõ rệt.
Theo An Yên/ Vietnamnet