Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) mới đây tiếp nhận trường hợp bé trai P.M.H. (14 tháng tuổi, ở Hưng Yên) phải nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái và suy hô hấp nặng do trước đó uống nhầm phải chai dầu Parafin (loại dầu trắng dùng để thắp đèn).
|
Bé H. đang được chăm sóc tại bệnh viện. |
Theo gia đình bé H., trong lúc đang chơi đùa do thấy chai dầu để ở góc nhà có màu bắt mắt, bên trong lại có nước nên cháu H. đã uống và bị sặc khiến cơ thể tím tái. Ngay sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS.BS Tạ Anh Tuấn, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi Trung ương) cho biết, sau khi nhập viện các bác sĩ đã chẩn đoán cháu H. bị viêm phổi do hít phải dầu và có dấu hiệu suy hô hấp cấp tính. Sau khi hội chẩn, cháu H. được tiến hành cấp cứu và cho thở máy nhưng vẫn không đáp ứng điều trị. Đồng thời, cháu còn xuất hiện tình trạng suy đa tạng, suy tuần hoàn… Theo nhận định của các bác sĩ, tình trạng của cháu H. hết sức nguy kịch, nguy cơ tử vong rất lớn và biện pháp cuối cùng được áp dụng là đặt ECMO (trao đổi ô xy ngoài cơ thể) để cấp cứu người bệnh.
Sau 3 ngày chạy ECMO, tình trạng cháu H. tiến triển khả quan: phim chụp X-quang cho thấy phổi trẻ sáng dần, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, bệnh nhân được cai ECMO. Hiện tại cháu bé đã hoàn toàn hồi phục tự thở tốt, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới
Cách xử lý khi trẻ uống nhầm dầu hỏa, dầu Parafin:
Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hỏa, cha mẹ không được gây nôn cho trẻ. Lý do là vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Cách xử trí ban đầu là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng. Sau sơ cứu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc. Nhiều trường hợp trẻ uống phải xăng, dầu hỏa nặng phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, nôn, ho. Hóa chất có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa nếu trẻ uống ở mức độ nhẹ, uống ít.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi trẻ dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.
Theo Định Nguyễn/Saostar