Bé gái ngã vào chậu nước sôi bỏng nặng, cách sơ cứu bỏng nhiệt

Google News

Sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách sẽ giúp giảm diện tích và độ sâu của bỏng, giúp giảm những biến chứng để lại...

Thông tin từ Báo Bắc Giang Online, mới đây, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động (Bắc Giang) tiếp nhận bệnh nhi Y.D (4 tuổi, ở thôn Rèm, xã Giáo Liêm) nhập viện trong tình trạng sốt cao, bị bỏng nặng từ cánh tay đến bàn tay, vết bỏng sưng đỏ, phồng rộp.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị nhiễm trùng, bỏng mức độ 3.
Theo đó, ngày 10/11, khi người thân đang pha nước tắm, do sơ ý, bé Y.D bị ngã, hai tay chống vào chậu nước sôi dẫn đến bỏng nặng. Những ngày đầu, gia đình tự điều trị vết thương bằng lá cây rừng, khi cháu sốt cao mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện điều trị.
Be gai nga vao chau nuoc soi bong nang, cach so cuu bong nhiet
 Tay của bệnh nhi bị nhiễm trùng, bỏng độ 3 - Ảnh: Báo Bắc Giang
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, hiện các vết bỏng bị nhiễm trùng đã được xử lý bước đầu; bệnh nhân được truyền dịch, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau và làm các xét nghiệm.
Tuy nhiên, vết thương khá phức tạp, bệnh nhi có nguy cơ dính các ngón tay, khó khăn khi co, duỗi, nên để phục hồi hoàn toàn cần thời gian dài. Các bác sĩ tại Trung tâm sẽ áp dụng các phương án tốt nhất để điều trị cho bệnh nhi.
Được biết, gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ đi làm thuê xa nhà. UBND xã Giáo Liêm đã báo cáo với UBND huyện để kịp thời có phương án hỗ trợ. Chiều 12/11, chính quyền đã đến thăm hỏi và trao 5 triệu đồng cho gia đình.
5 bước sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, bỏng là tai nạn rất hay gặp trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, trong các loại bỏng thì bỏng nhiệt là hay gặp nhất. Bỏng nhiệt là bỏng do tiếp xúc với các vật nóng, như nước sôi, hơi nước, dầu ăn nóng, lửa và các vật nóng. Sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách sẽ giúp giảm diện tích và độ sâu của bỏng, giúp giảm những biến chứng để lại, nâng cao hiệu quả điều trị.
Các bác sĩ hướng dẫn các bước sơ cứu bỏng nhiệt đúng cách:
Bước 1: Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt. Ngay lập tức đưa người bệnh ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người người bệnh, cởi bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi,… Cùng với đó, tiến hành cấp cứu toàn thân trong trường hợp ngừng tuần hoàn, đa chấn thương kèm theo, suy hô hấp do bỏng đường thở.
Bước 2: Ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch nhanh chóng. Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, thời điểm tốt nhất sau khi bị bỏng trong khoảng 30 phút. Việc ngâm rửa ít có tác dụng sau khoảng thời gian này. Yêu cầu nước để ngâm rửa nhiệt độ tiêu chuẩn là từ 16-20 độ C, phải là nước sạch. Tuy nhiên vì là trường hợp cấp cứu nên cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn.
Không dùng nước ấm, có nhiệt độ cao hơn vì tác dụng hạ nhiệt và giảm đau rất ít. Không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho người bệnh. Dấu hiệu nhận thấy nhiệt độ nguồn nước phù hợp là người bệnh thấy giảm đau ngay khi ngâm hoặc trẻ em giảm cường độ khóc hoặc không khóc nữa.
Có thể ngâm rửa chỗ bị bỏng trong chậu nước mát hoặc dưới vòi nước chảy hoặc đắp bằng khăn ướt thay đổi hoặc dội rửa liên tục nước sạch lên vị trí bỏng.
Đồng thời nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật, nhẫn, đồng hồ trước khi vị trí bỏng bị sưng nề. Vừa ngâm rửa vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên da của người bệnh.
Ngâm rửa trong khoảng thời gian từ 15 – 30 – 45 phút (thường tới khi hết đau rát). Tránh làm trợt vỡ vòm nốt phỏng.
Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng. Với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh thì giảm bớt thời gian ngâm rửa đề tránh nhiễm lạnh.
Bước 3: Che phủ tạm thời vị trí bỏng bằng vật liệu sạch như: băng gạc y tế, vải màn, khăn mặt, khăn tay,… sạch để quấn phủ lên, sau đó dùng băng sạch băng ép nhẹ. Không băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Đối với vùng mặt và sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc.
Bước 4: Bù nước và điện giải sau bỏng. Cho người bệnh uống nước Oresol nếu không bị nôn, chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Có thể bù nước bằng nước chè đường ấm, nước hoa quả, nước cháo loãng, với trẻ cho bú bình thường.
Bước 5: Nhanh chóng di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc chuyên môn
Lưu ý cần vận chuyển bằng cáng, bằng ô tô nếu người bệnh bỏng nặng. Nếu bị bỏng có kết hợp với gãy xương, chấn thương cần cố định tạm thời vùng xương bị gãy và chấn thương trước khi vận chuyển. Nếu bỏng kèm theo chấn thương cột sống cần vận chuyển bệnh nhân trên ván cứng, cố định đầu.
Giang Thu