Vào năm 2013, giới truyền thông và y khoa Ấn Độ xôn xao về trường hợp bé Roona Begum mắc căn bệnh não úng thủy (Hydrocephalus). Đây là một căn bệnh hiếm gặp do dịch não tủy tích tụ khiến chu vi đầu tăng gấp đôi so với bình thường.
Điều đáng buồn là Roona đã đột ngột qua đời và không kịp thực hiện ca phẫu thuật giảm kích thước đầu dự kiến diễn ra vài ngày sau đó. Mẹ của cô bé, Fatima Begum, cho biết Roona bị khó thở và được gia đình đưa đến bệnh viện, nhưng cô bé đã chết trên đường.
|
Roona đã qua đời hôm 18/6. Ảnh: Sagar Kaul/Barcroft Images. |
Chứng não úng thủy thường xuất hiện ở trẻ em gây ra các tổn thương ở não và có thể gây tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ em thường là tật nứt đốt sống (spina bifida), hoặc người mẹ mắc quai bị hoặc rubella trong quá trình mang thai.Cha mẹ bé Roona rất tuyệt vọng và yêu cầu sự trợ giúp của xã hội thông qua truyền thông. Nỗ lực của họ đã được đền đáp khi một bệnh viện ở New Delhi đồng ý điều trị miễn phí cho cô bé.
Sự tích tụ dịch não tủy đã gây ra áp lực lên bộ não của Roona khiến cô bé không thể ngồi thẳng, đi lại, ăn uống, thậm chí nói chuyện. Tuy nhiên, cha mẹ cô bé vẫn luôn giữ hy vọng rằng các bác sĩ sẽ cứu được con mình và mang đến cho Roona một cuộc sống bình thường, được tự do chơi đùa và đến trường như bao đứa trẻ khác.
Trong suốt bốn năm qua, các bác sĩ đã tiến hành tổng cộng 8 ca phẫu thuật và đã giảm được đáng kể chu vi đầu của Roona, từ 94 cm xuống còn 58 cm. Ca phẫu thuật lần đầu diễn ra vào năm 2013 giúp cô bé có thể cử động phần đầu, mỉm cười và có phản ứng khi nghe người khác gọi tên của mình.
Theo Minh Hải/Zing